1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Philippines ủng hộ ứng viên Trung Quốc làm thẩm phán Tòa Công lý Quốc tế

Đức Hoàng

(Dân trí) - Philippines đã ủng hộ một ứng viên của Trung Quốc cho vị trí thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) - một trong những cơ quan pháp lý thuộc Liên Hợp Quốc và thường được gọi là Tòa án Thế giới.

Philippines ủng hộ ứng viên Trung Quốc làm thẩm phán Tòa Công lý Quốc tế - 1

Bà Xue Hanqin, ứng viên của Trung Quốc cho vị trí thẩm phán Tòa án Công lý Quốc tế hay còn được gọi là Tòa án Thế giới (Ảnh: ICJ)

Reuters đưa tin, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã chỉ đạo phái bộ nước này tại Liên Hợp Quốc bỏ phiếu cho một ứng viên Trung Quốc vào 1 trong 5 ghế thẩm phán tại ICJ - những vị trí trống vào năm tới.

“Các bạn được chỉ thị bỏ phiếu của Philippines cho ứng viên của Trung Quốc tại ICJ. Đó là chỉ dẫn duy nhất”, ông Locsin viết trên Twitter hôm 8/11, mà không giải thích chi tiết thêm về tuyên bố này.

Tổng cộng có 8 ứng viên tranh cử vào 5 vị trí của ICJ - chức danh có nhiệm kỳ 9 năm bắt đầu từ ngày 5/2/2021. Bốn người trong số 8 ứng viên là thẩm phán ICJ tái tranh cử, trong đó có ứng viên Trung Quốc - bà Xue Hanqin, người đang giữ chức Phó chủ tịch ICJ.

ICJ là tòa án cấp cao nhất của Liên Hợp Quốc về giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. ICJ gồm 15 thẩm phán được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an bầu ra với nhiệm kỳ 9 năm. Các thẩm phán được phép tái tranh cử. ICJ cũng thường được gọi là Tòa án Thế giới.

Một văn bản của Liên Hợp Quốc ngày 29/6 chỉ ra Philippines đã đề cử một ứng viên khác - thẩm phán Nhật Bản Yuji Iwasawa, không phải bà Xue của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Philippines lý giải rằng Manila có thể ủng hộ nhiều hơn một ứng viên thẩm phán trong cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra ngày 11/11 tới.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có xu hướng xoay trục và hướng tới mối quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc nhằm mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài và đạt được các lợi ích về mặt kinh tế từ Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Duterte cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích liên quan tới cách tiếp cận được cho là mềm mỏng của ông với Trung Quốc khi không quyết liệt trong việc thúc giục Bắc Kinh tuân theo phán quyết năm 2016 của Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay, Hà Lan trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

PCA khi đó đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh cũng như cái gọi là “đường chín đoạn” trên Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phớt lờ tuyên bố tòa án và tiếp tục hành vi bồi đắp và quân sự hóa phi pháp tại khu vực.