1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ phản đối Trung Quốc ứng cử thẩm phán tại tòa quốc tế về luật biển

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ tìm cách ngăn chặn Trung Quốc đề cử một ứng viên vào vị trí thẩm phán tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển vì cho rằng Bắc Kinh phớt lờ luật pháp quốc tế tại Biển Đông.

Mỹ phản đối Trung Quốc ứng cử thẩm phán tại tòa quốc tế về luật biển - 1

Trụ sở tòa án quốc tế về luật biển tại Hamburg, Đức. (Ảnh: AFP)

“Việc bầu chọn một quan chức Trung Quốc vào cơ quan này giống như thuê một kẻ phóng hỏa vào hỗ trợ điều hành Sở cứu hỏa”, David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tổ chức hồi tháng trước.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước tham gia vào cuộc bầu cử tại tòa án quốc tế về luật biển sắp tới xem xét cẩn trọng các phẩm chất của ứng viên Trung Quốc và cân nhắc liệu một thẩm phán Trung Quốc tại tòa án quốc tế về luật biển sẽ giúp thúc đẩy hay kéo lùi luật biển quốc tế. Trong trường hợp của Trung Quốc, câu trả lời đã quá rõ ràng”, ông Stilwell cho biết.

Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) dự kiến sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 8 hoặc tháng 9 để lựa chọn 7 thẩm phán trong nhiệm kỳ 9 năm. Toàn bộ 168 bên tham gia ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đều được bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này.

Năm 2016, tòa trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, trong đó đòi hỏi chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông, là không có căn cứ dựa theo các nguyên tắc của UNCLOS. Mặc dù là một bên tham gia đàm phán và phê chuẩn UNCLOS, nhưng Trung Quốc cho đến nay vẫn từ chối chấp thuận hoặc công nhận phán quyết của tòa.

Trong khi đó, Mỹ không được tham gia bỏ phiếu trong kỳ bầu cử tới của ITLOS vì Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS. Đây cũng là luận điểm được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đưa ra khi phản bác tuyên bố của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ.

“Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa phê chuẩn UNCLOS, nhưng lúc nào cũng đóng vai là người bảo vệ công ước này. Các thẩm phán tại tòa án quốc tế thực hiện nghĩa vụ của họ theo năng lực cá nhân”, bà Hoa nói, đồng thời ca ngợi ứng viên Trung Quốc là người thông thạo luật pháp quốc tế và luật biển.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa ứng viên ứng cử vào vị trí thẩm phán tại tòa án quốc tế về luật biển. Trên thực tế, 3 thẩm phán Trung Quốc đã làm việc tại cơ quan này kể từ khi cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức vào năm 1996.

Tuy nhiên phản ứng mới nhất của Mỹ đối với việc đề cử ứng viên Trung Quốc lần này tại tòa án quốc tế về luật biển diễn ra trong bối cảnh Washington nhiều lần tỏ thái độ cứng rắn với các hành vi khiêu khích của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Bình luận của ông Stilwell được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích tham vọng của Trung Quốc muốn ôm trọn các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở Biển Đông là “hoàn toàn phi pháp”.

Giới phân tích nhận định lập trường cứng rắn hơn của Mỹ với Trung Quốc tại Biển Đông có thể khuyến khích các quốc gia khác cũng có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông quyết đoán hơn với Bắc Kinh.

Quan điểm của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell nhận được sự đồng tình của Jonathan Odom - một giáo sư luật Mỹ. Giáo sư Odom cho rằng cuộc bầu cử sắp tới của ITLOS mở ra cơ hội cho cộng đồng quốc tế nhằm “thể hiện sự ủng hộ đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và thể hiện sự phản đối với một thành viên phớt lờ trật tự đó”.

Theo giáo sư Odom, việc không bầu chọn cho ứng viên Trung Quốc “sẽ gửi đi một thông điệp tới chính phủ Trung Quốc rằng những hành vi đáng bị lên án có thể phá hủy vị thế của họ trên trường quốc tế”.