1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh cãi việc Trung Quốc trúng ghế thẩm phán tại tòa Luật Biển Quốc tế

Đức Hoàng

(Dân trí) - Việc đại diện Trung Quốc trúng cử ghế thẩm phán tại Tòa Luật Biển Quốc tế (ITLOS) đã gây ra những phản ứng trái chiều trong giới quan sát.

Tranh cãi việc Trung Quốc trúng ghế thẩm phán tại tòa Luật Biển Quốc tế - 1

Ông Duan Jielong (Ảnh: SCMP)

Ngày 24/8, Đại sứ Trung Quốc tại Hungary Duan Jielong đã được các nước thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 bầu làm thẩm phán ITLOS trong nhiệm kỳ 9 năm, dù việc đề cử ông Duan đã bị Mỹ lên tiếng phản đối trước đó. Việc đại diện Trung Quốc trúng cử ghế thẩm phán diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông gia tăng vì các động thái phi pháp của Bắc Kinh tại khu vực này.

Dự kiến nhiệm kỳ của ông Duan sẽ bắt đầu vào ngày 1/10 và ông sẽ nhận nhiệm vụ xét xử và giải quyết các tranh chấp trên biển giữa các nước.

ITLOS là một cơ quan liên chính phủ do UNCLOS thành lập, có 21 thẩm phán với nhiệm kỳ 9 năm. Một phần ba số thẩm phán được bầu mới 3 năm 1 lần. Ông Duan là quan chức thứ 4 của Trung Quốc thắng ghế thẩm phán ITLOS.

Ngày 25/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc luôn ủng hộ ITLOS và tin rằng ông Duan sẽ làm đúng nghĩa vụ và đóng góp cho tòa án, cũng như thực hiện giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc nói rằng việc ông Duan trúng cử thể hiện sự ghi nhận của các nước bầu cho họ với sự đóng góp của Bắc Kinh nhiều năm qua.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc trúng cử thẩm phán ITLOS cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Theo SCMP, Trung Quốc từng bị Philippines kiện ra tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay, Hà Lan hồi năm 2013 liên quan tới các tranh chấp trên Biển Đông.

Trung Quốc khi đó đã bác bỏ quyền lực pháp lý của PCA trong vụ kiện, từ chối tham gia các phiên xử và từ chối công nhận phán quyết của PCA năm 2016. Khi đó, PCA đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, trong đó đòi hỏi chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông, là không có căn cứ dựa theo các nguyên tắc của UNCLOS.

Mỹ mặc dù chưa phê chuẩn UNCLOS nhưng từ tháng 7 đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ việc ông Duan được đề cử làm thẩm phán, viện dẫn cáo buộc Trung Quốc coi thường luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Trước đó, Mỹ từng tuyên bố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực này là phi pháp.

David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương từng so sánh việc bầu quan chức Trung Quốc vào ITLOS giống như “thuê người phóng hỏa vào hỗ trợ điều hành Sở cứu hỏa”.

Cùng vào tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lặp lại những quan ngại tại phiên điều trần ở Thượng viện. Ông Pompeo đã đề xuất thiết lập một nhóm đặc biệt ở Bộ Ngoại giao Mỹ để ngăn chặn tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại các cơ quan và tổ chức quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó, trang tin Breitbait của Mỹ đăng tải bài viết với tiêu đề: "Trung Quốc có ghế trong tòa Luật biển Quốc tế bất chấp thường vi phạm luật hàng hải".

Julian Ku, giáo sư tại đại học luật Hofstra, New York (Mỹ), nói rằng, mặc dù Trung Quốc chỉ có 1 ghế thẩm phán trong ITLOS, nhưng vẫn có khả năng thẩm phán này nắm vị trí quản lý và có thể tham gia vào các vụ việc cụ thể mà Bắc Kinh quan tâm.

“Họ có thể thành lập các nhóm xét xử nhỏ để giải quyết các tranh chấp cụ thể. Ví dụ, có một nhóm 11 thẩm phán xử lý vấn tranh chấp lãnh thổ dưới đáy biển”, ông Ku nhận định.

Tuy nhiên, theo Benar News, Trung Quốc vẫn sẽ có nhiều hạn chế trong việc kiểm soát quá trình tố tụng tại ITLOS với chỉ 1 ghế thẩm phán. Ngoài ra, hãng tin trên đánh giá ITLOS không phải là một tòa án có nhiều hoạt động. Theo báo cáo thường niên, ITLOS năm 2019 chỉ xét xử 4 vụ việc và chỉ ra phán quyết đối với 1 vụ việc.