1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Philippines thừa nhận thương vụ mua tiêm kích F-16 của Mỹ quá đắt đỏ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Philippines thừa nhận họ gặp thách thức về mặt tài chính để thực hiện thương vụ mua 12 tiêm kích F-16 từ đồng minh lâu năm Mỹ.

Philippines thừa nhận thương vụ mua tiêm kích F-16 của Mỹ quá đắt đỏ - 1

Tiêm kích F-16 (Ảnh: Reuters).

Kể từ khi Mỹ chấp thuận việc bán 12 máy bay chiến đấu F-16 cho Philippines vào năm 2021, Manila đã phải đối mặt với câu hỏi làm thế nào để họ có nguồn tài chính cho thương vụ này.

Trả lời Nikkei Asia, Jose Manuel Romualdez, Đại sứ Philippines tại Mỹ, cho biết: "Thương vụ mua F-16 vẫn còn quá đắt đỏ nên chúng tôi phải tìm cách có thể duy trì nguồn tài chính về lâu dài".

Nước này đang cân nhắc các giải pháp bao gồm chuyển sang mua máy bay cũ hoặc nhận hỗ trợ tài chính từ Washington.

Khi thương vụ này được công bố vào tháng 6/2021, Mỹ ước tính chi phí Philippines phải bỏ ra để mua máy bay và các thiết bị liên quan là 2,43 tỷ USD, chiếm hơn một nửa ngân sách quốc phòng hàng năm của Philippines.

Ông Romualdez cho biết, Philippines "có thể" hủy bỏ thỏa thuận mua máy bay F-16 mới từ Mỹ và Manila có thể mua các tiêm kích cũ từ một quốc gia thứ 3 như Đan Mạch.

Tuy nhiên, các máy bay chiến đấu của Đan Mạch khó có thể tới Philippines. Vào tháng 10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua việc Đan Mạch chuyển giao máy bay F-16 cho Argentina. Theo quy định, nếu Đan Mạch muốn chuyển máy bay do Mỹ sản xuất cho nước thứ 3, họ cần sự chấp thuận từ Washington.

Ngoài Argentina, Đan Mạch cũng quyết định viện trợ F-16 cũ cho Ukraine để đối phó với Nga. Điều này sẽ làm cạn kiệt kho F-16 của quốc gia Bắc Âu.

Vì vậy, một phương án khác mà Philippines có thể hy vọng là nhận viện trợ từ Mỹ.

Ông Romualdez nói: "Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ có thể cung cấp cho chúng tôi một số hỗ trợ để chúng tôi có thể hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình gần như nhanh nhất có thể. Bởi vì đây là thời điểm quan trọng nên chúng tôi càng hoàn thành công việc đó sớm thì càng tốt".

Các lực lượng vũ trang Philippines đã đặt ra chương trình hiện đại hóa kéo dài 15 năm vào năm 2012 để nâng cấp thiết bị phòng thủ và việc mua lại các radar do Nhật Bản sản xuất gần đây có thể theo dõi các cuộc xâm nhập ở khoảng cách lên tới 300km là một bước đi theo hướng đó.

Chương trình dự kiến sẽ tiếp tục sau năm 2027 với mục tiêu đảm bảo Philippines có một quân đội hiện đại và đủ năng lực.

Theo Nikkei Asia