1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Philippines ngăn Trung Quốc xây đảo: Tiếng nói dư luận mạnh mẽ hơn

Theo chuyên gia, việc áp dụng biện pháp tạm thời vào thời điểm này sẽ không còn hiệu quả bởi Trung Quốc sắp xây xong đảo ở Biển Đông.

Biện pháp tạm thời khó hiệu quả?

Sau khi tham dự cuộc điều trần lần thứ nhất của Philippines tại Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc (LHQ), Bộ trưởng Tư pháp Philippines đã tuyên bố, nếu Tòa án Trọng tài LHQ tuyên bố có thẩm quyền xét xử vụ Manila kiện Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông, thì chính phủ Philipines sẽ xem xét khả năng đề nghị tư pháp quốc tế cho áp dụng các biện pháp tạm thời ngăn chặn Trung Quốc tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại các vùng đang có tranh chấp.

Hiện nay, nhóm chuyên gia pháp lý của Philippines đang nghiên cứu khả năng này.

Người dân Philippines biểu tình phản đối hành vi xâm lấn của Trung Quốc

Người dân Philippines biểu tình phản đối hành vi xâm lấn của Trung Quốc

Theo TS Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật Hà Nội, các biện pháp tạm thời mà Philippines dự định đề nghị áp dụng nếu Toà án Trọng tài LHQ có thẩm quyền xét xử vụ kiện khá đơn giản, đó là yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động bồi đắp, xây đảo trái phép trên Biển Đông.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng sắp tới việc yêu cầu biện pháp tạm thời không còn hữu ích nữa bởi Trung Quốc đã xây đảo gần xong. Biện pháp này chỉ đưa ra khi Trung Quốc mới bắt đầu xây dựng đảo với quy mô lớn, ảnh hưởng đến môi trường và làm thay đổi hiện trạng. Bởi biện pháp tạm thời mang tính khẩn cấp nên đến thời điểm này có lẽ không còn cần thiết và khả năng toà án đưa ra các biện pháp tạm thời ngăn chặn này rất khó".

Trong khi đó, một chuyên gia luật quốc tế tại TP.HCM cho rằng, trong Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 có ghi rõ: Trên các vùng biển và lục địa chồng lấn, các quốc gia phải giữ nguyên hiện trạng, trong trường hợp chưa giải quyết được phải tìm một giải pháp tạm thời để không làm ảnh hưởng đến tiến trình giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, Trung Quốc đã xây đảo, giải pháp tạm thời để ngăn chặn hành động của Trung Quốc là gì? Chỉ có các diễn đàn ngoại giao, diễn đàn ASEAN, LHQ, G7, ARF... yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động phi pháp.

Cho đến nay, Tòa án Trọng tài LHQ vẫn chưa tuyên bố có thẩm quyền xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông hay không và Philippines vừa tiến hành điều trần lần thứ hai về Biển Đông. Theo vị chuyên gia nói trên, toà án có thẩm quyền giải quyết vụ kiện liên quan đến Biển Đông là toà trọng tài được thành lập theo phụ lục số 7 của Công ước LHQ về Luật biển năm 1982.

Theo đó, Philippines muốn kiện Trung Quốc ra toà án này thì phải gửi đơn kiện lên Toà án Trọng tài Thường trực LHQ tại Hà Lan. Toà này sẽ dựa trên phụ lục số 7 của Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 tiến hành tuần tự để thành lập ra toà trọng tài, gọi là toà trọng tài được thành lập theo phụ lục số 7 của UNCLOS.

Cơ sở pháp lý quan trọng để dư luận lên tiếng

Cũng theo vị chuyên gia luật quốc tế tại TP.HCM, toà trọng tài thành lập theo phụ lục số 7 của UNCLOS sẽ trả lời các câu hỏi: Thứ nhất, toà có thẩm quyền giải quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc hay không? Thứ hai, toà ra phán quyết ai sai, ai đúng? Trường hợp trong phán quyết đó Trung Quốc sai thì phải làm gì?

"Trung Quốc phải tự nguyện, tự tâm dừng các hành động phi pháp ở Biển Đông, còn trong trường hợp không thực hiện phán quyết của toà án thì cộng đồng quốc tế sẽ có biện pháp can thiệp bằng chính trị, gây ảnh hưởng, sức ép, đánh mạnh vào uy tín, trách nhiệm, bổn phận, danh dự của một cường quốc, quốc gia văn minh, thượng tôn pháp luật".

Lý giải điều này, ông cho rằng bởi luật pháp quốc tế thiếu cơ quan cưỡng chế thi hành trong luật pháp quốc tế nên các biện pháp để buộc Trung Quốc thực hiện phán quyết của toà chỉ mang tính chất chính trị, ngoại giao. Thế nhưng, bất chấp hạn chế này, Philippines vẫn kiện Trun Quốc với mục đích tìm tiếng nói của công lý, dư luận, lẽ phải để đánh vào ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, về sự tuân thủ, thực thi công lý của một quốc gia, một cường quốc lớn.

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Toàn Thắng cho rằng luật quốc tế được hình thành trên cơ sở các quốc gia thoả thuận với nhau để xây dựng nên. Trên cơ sở bình đẳng như vậy không có cơ quan nào để đảm bảo thực thi.

"Tuy nhiên, phán quyết của toà sẽ tạo ra rất nhiều hệ quả: nếu toà ra phán quyết và có thẩm quyền quyết định thì câu chuyện ai sai, ai đúng sẽ rõ và đó là cơ sở pháp lý quan trọng để dư luận quốc tế lên tiếng, khi đó tiếng nói sẽ khác. Trong tranh chấp ai cũng nói mình đúng vì thế cần có cơ quan thứ ba đưa ra phán quyết. Nếu có phán quyết của toà thì tình hình sẽ thay đổi", ông khẳng định.

    Theo Minh Thái
Đất Việt