1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Philippines loay hoay mắc kẹt trong quan hệ Mỹ - Trung

(Dân trí) - Cả Mỹ và Trung Quốc đều mang lại cho Philippines những lợi thế và rào cản trong quá trình hợp tác và bài toán của Manila là phải cân bằng cả hai mối quan hệ này.


Philippines loay hoay mắc kẹt trong quan hệ Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: Getty)

Căng thẳng trên Biển Đông

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu chấm dứt trong tương lai gần, giới doanh nhân Philippines, những "nạn nhân" đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lạm phát, ngày càng lo ngại rằng họ có thể rơi vào thế bị mắc kẹt khi sự đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lan sang khu vực Biển Đông.

Mặc dù tỷ lệ lạm phát tại Philippines đã hạ nhiệt trong tháng 11 sau khi tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 9 năm hồi đầu năm, ngân hàng trung ương Philippines vẫn tăng tỷ lệ lãi suất 5 lần trong năm nay. Lý do cho động thái này là "sự bất ổn liên tục" trong bối cảnh "các điều kiện tài chính toàn cầu siết chặt hơn và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn", ngụ ý tới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

"Tôi được nghe nhiều về vấn đề Biển Đông và khả năng xảy ra đối đầu quân sự, hơn là một cuộc chiến tranh lạnh chuyển thành một cuộc chiến tranh nóng", Ebb Hinchliffe, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Philippines, nói với SCMP.

Trong khi một số thành viên của cộng đồng doanh nghiệp Philippines đang cảm nhận thấy những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc, điều khiến họ lo lắng hơn là cuộc chiến này có thể lan sang Biển Đông, nơi cả Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Theo ông Hinchliffe, cuộc chiến Mỹ - Trung trên Biển Đông thậm chí có thể mang lại những vấn đề nghiêm trọng hơn cho cộng đồng doanh nghiệp Philippines.

"Các công ty hiện nay quan ngại nhiều hơn về việc giữ cho các tuyến hàng hải luôn mở rộng cũng như tác động của việc này tới chính trị Philippines. Chính phủ Philippines đang dịch chuyển gần hơn về phía Trung Quốc và rời xa Mỹ, trong khi Mỹ lại đang đối đầu Trung Quốc", ông Hinchliffe nhận định.

Biển Đông từ lâu đã là một điểm nóng trong khu vực, đặc biệt sau khi chính phủ Philippines đệ đơn kiện và yêu cầu tòa án quốc tế bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" phi lý của Trung Quốc tại vùng biển này vào năm 2016.

Phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Singapore hồi tháng trước, Tổng thống Rodrigo Duterte từng nói rằng nếu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông leo thang thành xung đột, Philippines sẽ là nước "đầu tiên" hứng chịu hậu quả.

"Trung Quốc đã hiện diện ở đó (Biển Đông). Đó là thực tế. Mỹ và tất cả mọi người cũng đều nhận thức được rằng Trung Quốc đã ở đó", ông Duterte nói với các phóng viên.

Khi cuộc chiến thương mại với Mỹ vẫn đang tiếp diễn, Trung Quốc đã tăng cường những nỗ lực để khẳng định yêu sách chủ quyền của nước này trên Biển Đông. Những người chỉ trích đã lấy dẫn chứng từ các hoạt động xây dựng và quân sự hóa trái phép của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, cũng như vụ chạm trán nguy hiểm giữa hai tàu chiến Mỹ - Trung này hồi tháng 9, để làm bằng chứng cho thấy tham vọng của Bắc Kinh trong việc đẩy lùi sự hiện diện của Mỹ tại vùng biển này.

Trong cùng thời điểm đó, đầu tư hàng năm của Trung Quốc vào Philippines dưới thời Tổng thống Duterte liên tục tăng trưởng, tăng tới 67% hồi năm ngoái lên 53,8 triệu USD so với một năm trước đó.

Ảnh hưởng Mỹ - Trung

Philippines loay hoay mắc kẹt trong quan hệ Mỹ - Trung - Ảnh 2.

Tổng thống Duterte đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại Philippines ngày 20/11. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí đình chiến thương mại trong 90 ngày, bao gồm kế hoạch dừng tăng mức thuế mới, song thỏa thuận này cũng không thể giúp xoa dịu những lo ngại của giới doanh nghiệp Philippines về việc liệu cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có sớm dừng lại hay không.

Benjamin Lim, quản lý một doanh nghiệp thiết bị ở Binondo - khu phố người Hoa lâu đời nhất thế giới tại Manila, Philippines, cho rằng công việc kinh doanh trì trệ của anh trong năm nay là do chiến tranh thương mại, lạm phát tăng và đồng peso (tiền nội tệ của Philippines) sụt giá. Hầu hết các sản phẩm của doanh nghiệp do Lim điều hành đều nhập khẩu từ Mỹ và bán nội địa.

Ernesto Pernia, bộ trưởng bộ Kế hoạch Kinh tế Philippines, nhận định chiến tranh thương mại có thể thúc đẩy sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu của Philippines thêm 5%. Tuy nhiên, Tổng thống Duterte đã đổ lỗi cho khủng hoảng lạm phát tại Philippines hiện nay là do Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.

Những nỗ lực của Tổng thống Duterte nhằm trải thảm đỏ đón Trung Quốc đã nhận được những tín hiệu tích cực trong lĩnh vực kinh tế. Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Philippines hồi tháng trước, chuyến thăm của nguyên thủ Trung Quốc đầu tiên tới Philippines kể từ năm 2005, hai nước đã ký 29 thỏa thuận, bao gồm biên bản ghi nhớ chung về hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường, cùng dự án phát triển dầu khí trên Biển Đông và các dự án cơ sở hạ tầng.

Tuy vậy, nhiều người dân Philippines cảm thấy lo lắng về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại nước này.

"Một chính sách đối ngoại độc lập thực sự là như thế nào? Đó chắc chắn không phải là đứng hẳn về phía Mỹ hay Trung Quốc", Antonio Tinio, nhà hoạt động kiêm nghị sĩ Philippines, nhận định.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Philippines Ebb Hinchliffe bác bỏ những ý kiến chỉ trích Trung Quốc. Ông cho rằng ưu tiên của Philippines hiện nay là tạo thêm nhiều việc làm, dù những việc làm đó bắt nguồn từ các khoản đầu tư của Trung Quốc hay của nước nào khác, nhằm xóa đói giảm nghèo và thiết lập một chính quyền ổn định hơn.

"Chúng tôi không hoan nghênh người Trung Quốc. Chúng tôi cũng không mở cửa và tìm cách trao cho họ những bí mật của chúng tôi để họ cạnh tranh với chúng tôi. Nhưng nếu họ tạo thêm việc làm thì đó là điều tốt", ông Hinchliffe nói.

Tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Philippines vẫn rất lớn. Mặc dù Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại Philippines và chính quyền quốc đảo này cũng ngày càng thân thiết với Bắc Kinh, song một cuộc khảo sát gần đây do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành cho thấy 77% những người được hỏi tại Philippines ủng hộ Mỹ với vai trò lãnh đạo toàn cầu, trong khi chỉ có 12% ủng hộ Trung Quốc.

"Philippines vẫn là một nước rất ủng hộ Mỹ. Tôi đang nói về người dân, chứ không phải chính quyền. Chính quyền đôi khi yêu ghét thất thường, nhưng người dân thì khác. Tôi không nói là họ bài Trung Quốc, nhưng họ chỉ đang ủng hộ Mỹ", Hinchliffe nhận định.

Thành Đạt

Theo SCMP