1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Philippines vẫn “loay hoay” chờ đợi sau 2 năm xoay trục từ Mỹ sang Trung Quốc

(Dân trí) - Hai năm sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố xoay trục từ đồng minh Mỹ sang Trung Quốc để đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh tế và thương mại, giới quan sát cho rằng Manila dường như vẫn chưa đạt được các kết quả như kỳ vọng và vẫn “loay hoay” chờ đợi động thái từ Bắc Kinh.

Tổng thống Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

Năm 2016, ông Duterte rời khỏi Bắc Kinh với khoản vay 24 tỷ USD từ Trung Quốc và hứa hẹn đầu tư từ Trung Quốc để đẩy mạnh kế hoạch xây dựng lại hệ thống cơ sở hạ tầng nước này. Hai tuần trước đó, ông Duterte, người mới nhậm chức đã sử dụng những ngôn ngữ khá nặng nề với Mỹ, cho rằng mối quan hệ hữu nghị song phương giữa 2 nước là bất công với Philippines. Khi đó, ông Duterte tuyên bố rằng sẽ tốt hơn nếu Manila bắt tay hợp tác với Trung Quốc.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, Reuters cho rằng Bắc Kinh mới chỉ thực hiện một phần rất nhỏ hứa hẹn của họ. Còn Tổng thống Duterte bị chỉ trích rằng ông dường như đã quá cả tin vào viễn cảnh mà Bắc Kinh vẽ ra và khiến cho Trung Quốc thực hiện những động thái đe dọa tới chủ quyền quốc gia của Manila.

Theo nhà phân tích quốc phòng và an ninh ở thủ đô Manila Richard Heydarian, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Philippines trong tuần này, ông Duterte sẽ cần ông Tập “bật đèn xanh” cho các khoản đầu tư. Tổng thống Philippines có thể sử dụng động thái này để biện minh cho cái mà giới quan sát gọi là "nhượng bộ địa chính trị với đối thủ truyền thống".

Ông Heydarian nói rằng nếu Trung Quốc không mở hầu bao như đã hứa thì dường như ông Duterte đã quá tin tưởng vào Bắc Kinh và đã mất đi lợi thế chiến lược vào tay Trung Quốc vì điều đó.

Bộ trưởng Ngân sách Philippines Benjamin Diokno nhận định sẽ là không hợp lý khi kỳ vọng Trung Quốc thực hiện toàn bộ các cam kết chỉ trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, quan chức này ông Tập sẽ có thể tác động, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cam kết sau chuyến thăm sắp tới.

“Chúng tôi rất lạc quan rằng mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ nếu ông Tập sẽ tạo áp lực để đẩy nhanh tiến trình”, ông Diokno nói.

Từ khi lên nắm quyền, ông Duterte đã phát động chương trình cơ sở hạ tầng mang tên “xây dựng, xây dựng, xây dựng”. Đây là trọng tâm trong chiến lược kinh tế của ông, bao gồm 75 dự án quy mô lớn với một nửa trong số đó sử dụng các khoản vay, trợ cấp hoặc đầu tư từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Reuters, dựa trên các tài liệu chính phủ Philippines công bố, chỉ có 3 trong số 75 dự án, gồm 2 cây cầu và một công trình thủy lợi trị giá 167 triệu USD được phá dỡ và chờ xây mới.

Số còn lại, gồm 3 dự án đường sắt, 3 dự án đường cao tốc, 9 cây cầu vẫn đang trong quá trình lên kế hoạch và xem xét nguồn vốn, hoặc chờ đợi Trung Quốc phê duyệt tài chính, hoặc vẫn đang chờ nhà thầu xây dựng từ Bắc Kinh.

Gia tăng áp lực

(Ảnh minh họa: Mb.com)
(Ảnh minh họa: Mb.com)

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các dự án lớn được 2 bên đồng thuận “vẫn đang tiến triển suôn sẻ và tiếp tục đạt được kết quả tích cực”. Trung Quốc muốn đẩy nhanh các hoạt động thương mại, đầu tư và “tiến hành xây dựng các công trình như đã ký kết”.

Theo số liệu từ phía Philippines, Trung Quốc cam kết đầu tư vào Manila trong nửa đầu năm nay là 33 triệu USD, chỉ bằng 40% so với Mỹ và bằng 1/7 so với Nhật Bản.

Thương mại giữa Truong Quốc và Philippines đã gia tăng đáng kể. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Philippines đã tăng 26% trong 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016, trong khi con số hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Philippines tăng 9,8%.

Kể từ khi nhậm chức, ông Duterte đã không ít lần đưa ra những phát ngôn tích cực tới Trung Quốc và thừa nhận mối quan hệ thân thiết giữa ông và ông Tập.

Người dân Philippines đã từng kỳ vọng rất nhiều sau khi Tòa trọng tài quốc tế ở Lahay (Hà Lan) ra tuyên bố có lợi cho Philippines, vô hiệu hóa toàn bộ tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, theo Reuters, ông Duterte dường như đã cho phán quyết này “chìm vào quên lãng”.

Thay vào đó, ông Duterte muốn ký thỏa thuận với Trung Quốc để cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên trên khu vực Biển Đông. Nhiều nhà lập pháp quan ngại rằng động thái này có thể được coi là ông Duterte ngầm đồng thuận với tuyên bố trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại khu vực.

Chuyên gia Heydarian cho rằng nếu ông Duterte không thể chứng minh được rằng Philippines có hưởng lợi từ việc xoay trục từ đồng minh lâu năm sang Trung Quốc, vị thế của ông có thể sẽ bị suy giảm trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2019, sự kiện được coi là đánh giá thành bại của nhiệm kỳ tổng thống của ông.

“Nếu sau chuyến thăm của ông Tập, vẫn không có những bước tiến cụ thể từ Trung Quốc trong việc đầu tư vào Philippines và nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục bồi đắp và quân sự hóa phi pháp Biển Đông, ông Duterte có thể sẽ hứng chịu áp lực tối đa”, ông Heydarian đánh giá.

Đức Hoàng

Tổng hợp