1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Philippines đưa vấn đề Biển Đông vào ASEM bất chấp Trung Quốc phản đối

(Dân trí) - Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay ngày 15/7 đã nêu vấn đề Biển Đông trong bài phát biểu của ông tại ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) đang diễn ra tại Mông Cổ, bất chấp việc Trung Quốc trước đó phản đối đưa chủ đề này vào hội nghị.

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay (trái) và Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj tại Hội nghị ASEM 11 (Ảnh: AFP)
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay (trái) và Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj tại Hội nghị ASEM 11 (Ảnh: AFP)

Theo Philstar, trong bài phát biểu tại ASEM hôm qua, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã nhắc lại tuyên bố trước đó về phán quyết của Tòa trọng tài thường trực theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 liên quan đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông. Phán quyết khẳng định yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

“Philippines khẳng định mạnh mẽ sự tôn trọng của mình đối với quyết định lịch sử này như một nỗ lực góp phần quan trọng vào việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên thể hiện thái độ kiềm chế và tỉnh táo”, Ngoại trưởng Yasay nói.

“Cùng với đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp giúp khôi phục lòng tin và sự tin cậy giữa các bên trong khu vực. Philippines sẽ tiếp tục hợp tác với các bên liên quan trong việc tìm kiếm các biện pháp nhằm giảm thiểu căng thẳng khu vực và tăng cường xây dựng lòng tin”, ông Yasay khẳng định.

Cũng liên quan tới phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi các bên tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền và thực thi phán quyết của tòa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp trên biển thông qua các biện pháp hòa bình trong cuộc gặp bên lề ASEM với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Trước đó, Trung Quốc đã lớn tiếng yêu cầu các nước không đưa vấn đề tranh chấp tại Biển Đông vào ASEM. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu nói rằng: “Hội nghị ASEM không phải là sự kiện thích hợp để thảo luận vấn đề Biển Đông. Trung Quốc không có kế hoạch bàn về Biển Đông tại hội nghị ASEM và vấn đề này không nên được đưa ra”. Bắc Kinh đến nay vẫn ngang nhiên không công nhận phán quyết của tòa và khẳng định sẽ không thực thi phán quyết.

Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 11 đã chính thức khai mạc vào ngày 15/7 tại thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ. Tham dự hội nghị có đại diện 30 nước châu Âu, 21 nước châu Á và hai tổ chức là Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN.

Thành Đạt

Theo Philstar