1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Philippines: Cướp bóc kinh hoàng hậu siêu bão

(Dân trí) - Đói khát vì siêu bão, rất nhiều người dân tại thành phố Tacloban của Philippines bất chấp tất cả để lao vào cướp bóc, tìm kiếm thức ăn, thậm chí lấy cắp đồ của những người đã chết. Nhiều người lo ngại chỉ vài ngày nữa người dân sẽ giết hại nhau vì đồ ăn.

Hai ngày sau khi một trong những cơn bão mạnh nhất lịch sử tràn vào san phẳng toàn bộ những thị trấn, làng mạc trên đường đi của nó qua Philippines, những người sống sót tuyệt vọng đang tạo ra những cảnh tượng kinh hoàng mới.

Người dân Tacloban mang đồ lấy cắp ra khỏi một cửa hàng
Người dân Tacloban mang đồ lấy cắp ra khỏi một cửa hàng

Tại ngoại ô của Tacloban, một thành phố ven biển với 220.000 dân, nơi những con sóng cao như sóng thần phá hủy nhiều tòa nhà, Edward Gualberto đã vô tình đạp lên những xác chết trong lúc anh xông vào cướp thực phẩm trong một ngôi nhà rách nát.

Chẳng mặc thứ gì ngoài một chiếc quần của cầu thủ bóng rổ, người cha của 4 đứa con và là thành viên của hội đồng làng này xin lỗi về bộ dạng thảm hại của mình cũng như vì đã ăn trộm đồ của người đã chết.

“Tôi là một người tử tế. Nhưng nếu 3 ngày bạn không có thứ gì để ăn thì bạn sẽ làm những điều đáng xấu hổ để sống sót”, Gualberto khẳng định với hãng tin AFP trong lúc đào bới những đồ ăn đóng hộp từ đống đổ nát, còn đám ruồi bu lấy các thi thể. “Chúng tôi không có thực phẩm, chúng tôi cần nước và những thứ khác để sống sót”.

Sau nửa ngày bới móc, anh đã có một túi đầy đủ loại đồ dùng thiết yếu, từ mỳ ăn liền, mấy lon bia, chất tẩy rửa, xà phòng, đồ ăn đóng hộp, bánh quy và kẹo.

Rất đông người đứng chờ lấy đồ ăn, thức uống từ các cửa hàng
Rất đông người đứng chờ lấy đồ ăn, thức uống từ các cửa hàng

“Cơn bão này đã lấy đi của chúng tôi nhân phẩm…nhưng tôi vẫn còn có gia đình và tôi mừng vì điều đó”, Gualberto nói.

Ở những nơi khác tại Tacloban, những người sống sót khác thì có những biện pháp dữ dội hơn để tận dụng sự vắng mặt của lực lượng an ninh, bởi hầu hết cảnh sát không thể có mặt nhận nhiệm vụ sau bão.

Cũng giống như Gualberto, nhiều người nói họ đã không có gì để ăn kể từ khi bão đổ bộ, còn giới quan chức thừa nhận họ không thể đưa đủ thực phẩm cứu trợ tới thành phố.

Một số người đã đột nhập vào các cửa hàng còn sót lại sau bão bằng cách đập phá cửa sổ và các chấn song bằng sắt.

Một chủ cửa hàng thịt trong tuyệt vọng đã mang một khẩu súng ngắn ra nhưng không thể ngăn được đám đông ùa vào cửa hàng mình. Ông chỉ còn biết đứng đó, khua khẩu súng lên trời và la hét. Khi nhận ra mình đã là người thua cuộc, ông chửi thề đám đông rồi bỏ đi.

Cách đó không xa, chủ cửa hàng mỳ Emma Bermejo miêu tả tình trạng cướp bóc là “vô chính phủ”. “Không có nhân viên an ninh nào, đồ cứu trợ thì đến quá chậm. Mọi người đều bẩn, đói và khát. Một vài ngày nữa họ sẽ bắt đầu giết hại lẫn nhau”, bà Bermejo lo lắng.

Quang cảnh hoang tàn, đổ nát vẫn có ở khắp nơi
Quang cảnh hoang tàn, đổ nát vẫn có ở khắp nơi

“Thật đáng xấu hổ. Chúng tôi đã bị thảm họa tàn phá và giờ hoạt động kinh doanh cũng chẳng còn. Bị cướp bóc. Tôi có thể hiểu được việc họ lấy thực phẩm hay nước uống, họ có thể lấy. Nhưng vì sao họ lấy TV, máy giặt?”

Chủ tịch hội Chữ thập đỏ Philippines Richard Gordon miêu tả một số kẻ cướp bóc là “côn đồ”, sau khi một trong những đoàn cứu trợ của cơ quan này bị cướp bóc gần Tacloban.

Trong khi đó, nhiều nam giới, phụ nữ và trẻ em mất phương hướng đi bộ trong vô định, dọc theo những con đường ngổn ngang ô tô bị lật và cây đổ vào đường dây điện. Một số người thì bịt miệng vì mùi hôi thối nồng nặc từ các thi thể phân hủy.

Một đội thu thập tử thi của quân đội đã được triển khai, nhưng dường như các binh sỹ cũng bị bàng hoàng, quá tải.

“Có 6 xe tải đi quanh thành phố để thu gom thi thể nhưng vẫn không đủ”, một lái xe cho biết. “Xác chết ở khắp nơi, chúng tôi không có đủ nhân lực để thu gom”.

Một số người sống sót thì chìa ra những tờ giấy nhỏ để nhờ người qua đường và các phóng viên liên lạc với họ hàng của mình để thông báo tình hình.

Nhiều người vẫn mang những vết thương trên mặt hoặc đi lại tập tễnh, tất cả đều có những câu chuyện về nỗi kinh hoàng không thể tưởng tượng nổi.

“Những cơn sóng khổng lồ cứ ập tới liên tiếp, đẩy chúng tôi ra ngoài phố và quét sạch nhà cửa”, Mirasol Saoyi, 27 tuổi thuật lại với AFP gần một sân vận động ven biển của thành phố còn sót lại sau bão, nơi hàng nghìn người tới trú ngụ.

“Chồng tôi đã buộc chúng tôi lại với nhau, nhưng chúng tôi vẫn bị tách rời ra trong đống đổ nát. Tôi thấy nhiều người chết đuối, la hét và bị vùi lấp…Tôi vẫn chưa tìm thấy chồng mình”.

Thanh Tùng
Theo AFP