1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Philippines bị nghi đóng cửa thiên đường du lịch Boracay vì nhà đầu tư Trung Quốc

(Dân trí) - Kế hoạch đóng cửa hòn đảo du lịch Boracay trong 6 tháng và khiến người dân địa phương thất nghiệp diễn ra sau khi một công ty từ Macau, Trung Quốc đệ trình lên Tổng thống Philippines kế hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng sòng bài trị giá 500 triệu USD.


Thiên đường du lịch Boracay, Philippines (Ảnh: Pakistan Today)

Thiên đường du lịch Boracay, Philippines (Ảnh: Pakistan Today)

SCMP đưa tin, 12 năm trước, một du khách Philippines trẻ tuổi yêu thích hòn đảo nghĩ dưỡng cát trắng Boracay tới nỗi cô quyết định mở một nhà hàng tại đây để sống cùng giấc mơ thiên đường.

Nhờ số lượng du khách tới đây ngày càng tăng, đặc biệt là các du khách Trung Quốc, công việc làm ăn của cô trở nên thuận lợi và hiện cô đang điều hành vài nhà hàng với 50 nhân viên tại hòn đảo vốn nổi tiếng với những bãi biển tuyệt đẹp và cuộc sống về đêm.

Nhưng giấc mơ thiên đường của cô dần biến thành ác mộng kể từ khi các đại diện của Tập đoàn giải trí Galaxy có trụ ở tại Macau, trong đó có người sáng lập Lui Che-woo, gặp gỡ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi tháng 12 năm ngoái để “tiếp thị” về khu nghỉ dưỡng kết hợp sòng bạc trị giá 500 triệu USD tại Boracay.

Hai tháng sau, nhà lãnh đạo Philippines đã tới thăm Boracay và tuyên bố rằng hòn đảo đã bị ô nhiễm quá mức, cần phải đóng cửa để phục hồi và làm sạch.

Cuối cùng, Tổng thống Durterte đã thông qua việc đóng cửa Boracay trong 6 tháng, bắt đầu từ 26/4. Quyết định này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ những người dân sinh sống tại đảo và một số người cáo buộc chính Philippines đang hi sinh lợi ích của người dân địa phương để giữ chân các khoản đầu tư từ Trung Quốc.

“Khi 36.000 người sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định đóng cửa, tất nhiên mọi người cảm thấy chính phủ không đứng về phía họ”, một ông chủ nhà hàng người Philippines nói. “Nếu lo ngại về môi trường là nguyên nhân đóng cửa Boracay thì việc cấp phép cho một sòng bạc lớn không hợp lý. Chúng tôi tin rằng một sòng bạc như vậy sẽ gây tổn hại tới môi trường và nét đặc sắc của hòn đảo. Chúng tôi không cần một sòng bạc để thu hút du khách tới Boracay”.

Thậm chí, ông Fernando Hicap, chủ tịch Liên minh quốc gia các tổ chức đánh bắt nhỏ, còn cáo buộc chính quyền cho phép các công ty nước ngoài “cướp lợi nhuận của người địa phương”.

“Đóng cửa các khu nghỉ dưỡng nhỏ bên bờ biển tại Boracay để mở đường cho các sòng bài nước ngoài là đi ngược lại lợi ích của người Philippines, là hành động bán toàn bộ không chỉ di sản quốc gia mà cả các địa điểm du lịch tuyệt đẹp của chúng tôi”, ông Hicap nói.

Các du khách Trung Quốc là nguồn thu lớn cho ngành du lịch của Philippines. Tổng số du khách Trung Quốc tới Philippines trong năm 2017 là 968.447 người, tăng 43% so với năm 2016. Năm nay, Philippines đặt mục tiêu thu hút khoảng 2 triệu du khách Trung Quốc.

Tại Boracay, 375.284 du khách Trung Quốc đã tới thăm hòn đảo vào năm ngoái, gấp 30 lần so với 1 thập niên trước. Du khách Trung Quốc đã vượt xa du khách Hàn Quốc trong năm ngoái.

Trung bình các du khách Trung Quốc chi khoảng 770 USD cho một chuyến du lịch 3 ngày đến Boracay và ảnh hưởng của quyết định đóng cửa là rất lớn.

Boracay tạo doanh thu khoảng 56 tỷ peso mỗi năm, chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế của Philippines. GDP tăng 6,7% trong năm ngoái.

Du khách Trung Quốc áp đảo


Chính phủ Philippines quyết định đóng cửa khu Boracay trong 6 tháng vì môi trường ô nhiễm (Ảnh: AFP)

Chính phủ Philippines quyết định đóng cửa khu Boracay trong 6 tháng vì môi trường ô nhiễm (Ảnh: AFP)

Một chủ nhà hàng người Philippines cho biết mặc dù các du khách Trung Quốc đến Boracay tăng mạnh nhưng họ thường đến thông qua các tour du lịch được đặt trước và thường sử dụng các nhà hàng và khách sạn do người Trung Quốc làm chủ.

“Mặc dù có các khách Trung Quốc tới các nhà hàng của chúng tôi nhưng điều đó không tương xứng với sự gia tăng của số lượng khác”, người phụ nữ trên nói.

Và bà cũng mong các du khách Trung Quốc cư xử văn minh hơn.

“Chúng tôi gặp các trường hợp du khách Trung Quốc cư xử rất tệ, hút thuốc trong các nhà hàng và vứt rác khắp nơi. Chính tôi nhìn thấy một cặp vợ chồng lớn tuổi người Trung Quốc cho cháu đi tiểu ra giữa một trung tâm thương mại đông đúc. Chúng tôi mong điều này sẽ thay đổi”, bà nói.

Người phụ nữ trên cũng cảnh báo rằng việc đóng cửa Boracay có thể gây ra ảnh hưởng lớn tới các nhà cung cấp thực phẩm và các sản phẩm khác, cũng như các công ty vận tải.

“Các công ty như vậy, giống chúng tôi, không thể tiếp tục trả lương cho nhân viên. Các nhân viên này có khả năng phải rời hòn đảo. Điều này có nghĩa là việc tái khởi động Boracay sẽ khó khăn vì tất cả các nhân lực được đào tạo đã đi mất. Có vẻ như chính phủ muốn đuổi tất cả mọi người khỏi Boracay để không ai nhìn thấy những gì sẽ được làm ở đây”, bà nói.

Một người đàn ông Trung Quốc điều hành một nhà hàng trên đảo cũng tức giận. “Ở đây rõ ràng là ô nhiễm. Nhưng thủ đô Manila cũng ô nhiễm, vì sao chính phủ không đóng cửa Manila”, người đàn ông giấu tên nói. “Nếu hòn đảo đóng cửa với du khách, tôi chỉ biết ngủ. Tôi chưa quyết định sẽ làm gì với các nhân viên”.

Tập đoàn giải trí Galaxy, được niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong, sẽ xây dựng một khu nghỉ dưỡng kiêm sòng bạc trên khu đất rộng 23 ha. Việc thi công dự kiến bắt đầu vào năm tới và sẽ hoàn thành trong 3 năm.

Một phát ngôn viên của Galaxy cho hay ưu tiên của công ty là ủng hộ sự phát triển của Boracay theo cách thức bền vững.

“Theo triết lý kinh doanh của chúng tôi, việc phát triển khu nghỉ dưỡng ở Boracay sẽ được thiết kế phù hợp với các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận về quản lý môi trường”, phát ngôn viên nói.

Galaxay nhận được giấy phép tạm thời từ cơ quan quản lý sòng bạc của chính phủ Philippines cho khu nghỉ dưỡng sòng bài hồi tháng trước sau khi Tổng thống Duterte ban hành lệnh cấm đối với các sòng bài mới. Nhưng cơ quan quản lý sòng bạc nói Galaxy đã trình đơn cấp phép trước lệnh cấm trên.

Sharry Avaricio, quản lý một nhà hàng pizza tại Boracay, nói về việc đóng cửa hòn đảo: “Nếu nhìn vào khía cạnh môi trường, cách tốt nhất là đóng cửa hòn đảo để dọn dẹp. Nhưng đối với các nhân viên như chúng tôi, chúng tôi không có lựa chọn nào khác là phải rời đi”.

An Bình

Theo SCMP