1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia cảnh báo đại dịch tiếp theo nếu không tìm ra nguồn gốc Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Các chuyên gia Mỹ cho rằng nếu không tìm ra nguồn gốc virus SARS-CoV-2, thế giới có thể đối mặt với những đại dịch khác trong tương lai.

Chuyên gia cảnh báo đại dịch tiếp theo nếu không tìm ra nguồn gốc Covid-19 - 1
Dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

"Sẽ có đại dịch Covid-26 hay Covid-32 nếu chúng ta không hiểu rõ nguồn gốc Covid-19", Peter Hotez, đồng giám đốc Trung tâm phát triển vắc xin của Bệnh viện Nhi Texas (Mỹ), cảnh báo trong một cuộc trả lời phỏng vấn NBC cuối tuần qua.

Cảnh báo được đưa ra giữa lúc cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19, trong đó có giả thuyết virus SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm Trung Quốc, nóng trở lại.

Khoảng một năm rưỡi kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đến nay nguồn gốc gây đại dịch khiến hơn 170 triệu người trên thế giới mắc bệnh, hơn 3,3 triệu người tử vong vẫn là một bí ẩn. Điều này khiến thế giới đối mặt với nguy cơ bùng phát các đại dịch thậm chí nguy hiểm hơn trong tương lai, ông Hotez nhận định.

Bloomberg dẫn lời ông Scott Gottlieb, ủy viên của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và hiện là thành viên ban quản trị của hãng dược Pfizer, cho biết thông tin củng cố giả thuyết SARS-CoV-2 thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán ngày càng nhiều.

Trung Quốc cho đến nay chưa đưa ra bằng chứng để bác bỏ giả thuyết đó, trong khi các nghiên cứu theo hướng virus bắt nguồn từ tự nhiên vẫn chưa thu được nhiều kết quả, ông Gottlieb nói.

Theo chuyên gia Hotez, thế giới cần phối hợp với chính phủ Trung Quốc để truy tìm nguồn gốc Covid-19, ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. Các nhà khoa học nên được phép tiến hành các cuộc điều tra dài hạn ở Trung Quốc.

"Chúng ta cần một đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia dịch tễ, chuyên gia virus học, chuyên gia nghiên cứu dơi ở tỉnh Hồ Bắc trong 6 tháng hay 1 năm để điều tra", ông Hotez nói.

Ông Hotez thừa nhận Trung Quốc có thể sẽ không chấp nhận một cuộc điều tra nữa ở nước này, do vậy Mỹ nên gây sức ép với Bắc Kinh, trong đó có đe dọa trừng phạt, để buộc Bắc Kinh hợp tác điều tra. Hơn nữa, Mỹ cũng nên tập trung vào các nguồn lực khoa học để giải mã nguồn gốc Covid-19 thay vì chỉ tập trung vào nỗ lực tình báo.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ thị cộng đồng tình báo nước này nỗ lực gấp đôi để điều tra làm sáng tỏ nguồn gốc Covid-19. Chỉ đạo này bắt nguồn từ việc ông nhận được thông tin tình báo hồi tháng 3 về việc giới tình báo Mỹ vẫn chưa thể kết luận chắc chắn giữa giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm và giả thuyết virus lây sang người từ động vật nhiễm bệnh.

Ông Biden quyết định giải mật một phần báo cáo và chỉ đạo "nóng" cộng đồng tình báo sau khi Trung Quốc tuần trước tuyên bố sẽ không tham gia giai đoạn điều tra thứ hai của WHO về nguồn gốc Covid-19.

Trong một diễn biến liên quan, truyền thông Anh cho biết, tình báo nước này đánh giá giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán "hoàn toàn có thể xảy ra" và họ đang hỗ trợ Mỹ trong cuộc điều tra.