1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phi công Thần phong: Ra đi chẳng hẹn ngày về

Các đợt tấn công tự sát của phi đội Thần phong ngày càng dồn dập. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 1945, đã có hơn 2.000 chiếc máy bay Zero xuất kích, và gần một nửa trong số này vĩnh viễn không bao giờ trở về.

Sự ra đời của Thần phong

Giữa tháng 12-1944, Nagumo được gọi vào phòng chỉ huy cùng với hơn 300 phi công thuộc Sư đoàn không quân số 1. Sau khi được nghe phổ biến về tình hình chiến sự, sư đoàn trưởng thông báo cho họ biết, rằng trong những giờ phút lịch sử này, Nhật hoàng Hirohito đang cần đến sự hy sinh của tất cả các thần dân, đặc biệt là các phi công.

Tiếp theo, dùng cả hai bàn tay, sư đoàn trưởng mô tả một chiếc máy bay từ trên cao đâm bổ xuống một chiếc tàu. Nagumo kể: "Cuối cùng, mỗi người chúng tôi đều nhận được một lá đơn, trong đó có sẵn một câu hỏi rằng chúng tôi có tình nguyện trở thành phi công "Thần phong" không?"

Trong lá đơn có 3 câu trả lời, một là "Tôi tha thiết mong muốn được trở thành Kamikaze", hai là "Tôi muốn là Kamikaze" và ba là "Tôi không muốn". Nagumo kể tiếp: "Rất nhiều bạn bè tôi nhanh chóng đánh dấu vào dòng chữ "Tôi tha thiết" rồi hùng dũng bước lên, nộp cho chỉ huy. Riêng tôi và một số người khác thì ngần ngừ. Không phải là tôi sợ chết nhưng liệu có nên chết bằng cách đó hay không khi mà về mặt vũ khí phòng không, rất khó có thể vượt qua hàng rào lưới lửa của những tàu sân bay, những chiến hạm Mỹ, chưa kể đến lực lượng không quân hùng hậu của họ, lúc nào cũng chực chờ đánh chặn khi thấy chúng tôi xuất hiện trên trời".

Thiếu tá Ichikawa đang hướng dẫn phi công Thần phong cách lao máy bay vào tàu chiến Mỹ.
Thiếu tá Ichikawa đang hướng dẫn phi công Thần phong cách lao máy bay vào tàu chiến Mỹ.

Nhưng rồi Nagumo cũng ký vào đơn. Hai ngày sau, ông được cử đi học chuyển loại máy bay Mitsubishi Zero. Khóa học lái loại máy bay mới chỉ kéo dài đúng 7 ngày, gồm 2 ngày cho việc cất cánh với quả bom 250 kg; 2 ngày tập bay theo đội hình và 3 ngày tập cách bay lên cao rồi cắm đầu thẳng xuống tàu Mỹ.

Do hãng Mitsubishi chế tạo, chữ "zero" là chữ số cuối cùng của năm Imperial 2600 theo lịch của người Nhật khi nó đưa vào phục vụ trong Hải quân phát xít Nhật năm 1940. Được bố trí một động cơ Nakajima Sakae công suất 950 mã lực, tốc độ 660km/giờ, vũ trang 2 súng máy 7,7mm với 1.000 viên đạn cùng 2 đại bác 20mm với 120 viên đạn, tầm hoạt động 3.104km, Mitsubishi Zero được coi là máy bay tiêm kích mạnh nhất của người Nhật vào thời điểm ấy. Để giảm trọng lượng trong chiến thuật Kamikaze, giúp máy bay bay được nhanh hơn và xa hơn, các kỹ sư của hãng Mitsubishi đã tháo toàn bộ các khẩu súng rồi thay vào đó là một quả bom 250kg.

Ý tưởng thành lập đội phi công Thần phong phát xuất từ Phó Đô đốc Takijiro Onishi, chỉ huy Đệ nhất hạm đội không quân (thuộc hải quân) của phát xít Nhật, căn cứ đặt tại Manila, Philippines. Ngày 17-10-1944, lực lượng Đồng minh tấn công đảo Suluan, Đệ nhất hạm đội được giao nhiệm vụ hộ tống các tàu Nhật để những tàu này tiêu diệt quân Đồng minh trong vịnh Leyte.

Tuy nhiên, hạm đội khi đó chỉ có 34 chiếc Mitsubishi Zero trên tàu sân bay, 3 máy bay phóng ngư lôi Nakajima B6N, 1 chiếc Mitsubishi G4M và 2 máy bay ném bom Yokosuka P1Y cộng với 1 máy bay trinh sát nên nhiệm vụ được giao xem như quá sức. Vì vậy, Phó Đô đốc Takijiro Onishi quyết định thành lập một lực lượng gọi là "Tokubetsu Kogeki Tai - Đội công kích đặc biệt".

Trong cuộc họp tại sân bay Mabalacat (người Mỹ gọi là sân bay Clark) nằm gần Manila ngày 19 -10, Onishi nói với các phi công thuộc Phi đoàn 201: "Tôi thấy không có cách nào tiến hành chiến dịch bảo vệ Philippines ngoài cách gắn một quả bom 250kg lên một chiếc máy bay Zero rồi đâm thẳng vào một hàng không mẫu hạm Mỹ".

Phi công Ashaki - Phi đoàn 201 kể lại: "Chiếc tàu Đồng minh đầu tiên bị Kamikaze tấn công vào ngày 21-10-1944 là một tuần dương hạm hạng nặng của Hải quân Hoàng gia Australia đang di chuyển gần đảo Leyte. Cuộc tấn công ấy hình như tự phát vì các phi công không thuộc "Đội công kích đặc biệt" của Onishi, mà của Lữ đoàn bay số 6, thuộc Không lực Hoàng gia Nhật Bản".

Với 3 chiếc Mitsubishi Ki-51, các phi công nhắm vào chiếc tuần dương hạm, lao đến. Bị súng phòng không trên tàu bắn trúng một chiếc, chiếc thứ hai vòng đi rồi quay lại, đâm thẳng vào tháp chỉ huy khiến 30 sĩ quan, thủy thủ tử trận, trong đó có thuyền trưởng Emile Dechaineux. Trong số những người bị thương, có Phó Đề đốc John Collins, chỉ huy lực lượng Hải quân Australia ở mặt trận Thái Bình Dương. May mắn cho chiếc tuần dương hạm là quả bom nặng 250 kg mà chiếc Mitsubishi Ki-51 mang theo, không nổ.

Nagumo kể: "Ngày 24-10, chiếc tàu kéo Sonoma tải trọng 1.120 tấn là chiếc tàu đầu tiên bị một phi công Kamikaze đánh chìm bên ngoài đảo Dio, thuộc vịnh Leyte. Trận đó chúng tôi chỉ mất 1 máy bay. Nhiều phi công lạc quan tếu, cho rằng Hải quân Mỹ có tổng cộng 18 tàu sân bay. Và mỗi con tàu này chỉ cần hy sinh 3 chiếc Mitsubishi Zero là đã có thể xóa sổ sức mạnh trên biển của người Mỹ".

Đội ngũ phi công “ong đốt”

Cũng trong ngày 24-10, Phó Đô đốc Takijiro Onishi ra lệnh cho 5 chiếc Zero, dẫn đầu bởi trung úy Seki, được yểm trợ bởi thiếu tá Hiroyoshi Nishizawa, phi công giỏi nhất Nhật Bản cùng với 30 chiếc tiêm kích Kawasaki Ki-61 khác, tấn công tàu sân bay hộ tống Kitkun.

Nagumo nhớ lại: "Trước lúc lên đường, đội hình phi công xếp hàng ngang, cổ đeo một chiếc khăn quàng trắng, ngang trán thắt một dải băng trắng có in hình mặt trời đỏ, biểu tượng của phi đội Thần Phong. Giây lát, chỉ huy Onishi bước ra, giơ tay chào từng người rồi rót cho mỗi chúng tôi một chén rượu sake. Khi máy bay lăn bánh, tôi thấy hàng trăm phi công, thợ máy vẫy khăn reo hò như thể họ chỉ tiễn chúng tôi đi thực hiện một phi vụ bình thường chứ không phải bay vào cõi chết".

Nagumo bay ở vị trí thứ ba trong đội hình "mũi tên nhỏ". Lúc phát hiện ra tàu Kitkun, chiếc Zero đi đầu lao vào tháp chỉ huy nhưng không hiểu sao lại lệch ra ngoài. Do khoảng cách giữa máy bay và mặt biển quá gần, phi công không thể ngóc đầu lên được nên chiếc Zero bổ nhào xuống biển, nổ tung, tạo ra một cột sóng như hình chiếc phễu. Hai chiếc khác chúi xuống tàu Fanshaw Bay đang di chuyển cạnh đó nhưng chưa kịp đến gần thì đã bị súng phòng không bắn rụng.

Nagumo kể: "Còn lại hai chiếc Zero, một của tôi và một do thiếu úy Narimasu lái. Anh ấy xông vào tàu White Plains nhưng bị đạn phòng không bắn trúng bình xăng, khói đen bốc ra mù mịt". Những giây cuối cùng, Narimasu bỏ qua chiếc White Plains để đâm thẳng vào boong tàu sân bay St. Lo. Quả bom 250kg trên chiếc Zero phát nổ khiến kho chứa bom nổ theo, chiếc St Lo chìm vài giờ sau đó.

Biết rằng không còn cơ hội, Hiroyoshi Nishizawa ra hiệu cho Nagumo và đội tiêm kích Kawasaki Ki-61 quay về. Ông nói: "Từ đó cho đến hết ngày 26-10, 55 phi công Kamikaze đã đánh thiệt hại nặng các tàu sân bay hộ tống loại lớn là Sangamon, Suwannee, Santee cùng 3 tàu sân bay hộ tống nhỏ là White Plains, Kalinin và Kitkun. Tổng cộng có 7 tàu sân bay bị đánh trúng cùng 40 tàu khác, trong đó 5 chiếc bị đánh chìm, 23 chiếc bị hư hại nặng, 12 chiếc hư hại nhẹ". Đến ngày 5-1, hai tàu sân bay Franklin thuộc lớp Essex, và tàu Intrepid cũng bị Kamikaze đánh hỏng đường cất hạ cánh và tháp chỉ huy.

Các đợt tấn công tự sát của phi đội Thần phong ngày càng dồn dập. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 1945, đã có hơn 2.000 chiếc máy bay Zero xuất kích, và gần một nửa trong số này vĩnh viễn không bao giờ trở về. Nagumo bùi ngùi: "Nói đến thành công của chiến thuật Kamiakaze thì không thể không kể đến sự hy sinh của những phi công Hải quân Nhật". Điều đáng ngạc nhiên là số người tự nguyện chết nhiều gấp 10 lần con số máy bay mà quân đội Nhật có lúc đó. Tuy nhiên cũng có những phi công tỏ ý nghi ngờ hiệu quả của chiến thuật Kamikaze, trong đó có cả các phi công nổi tiếng.

Trung úy Yukio Seki, phi công lái tiêm kích Kawasaki Ki-61 yểm trợ cho 5 chiếc Zero đánh chìm tàu sân bay St. Lo nói: "Tương lai nước Nhật sẽ rất ảm đạm nếu chúng ta buộc phải hy sinh những phi công giỏi nhất của mình. Tôi tham gia chiến dịch này không vì nước Nhật hay vì Hoàng đế. Tôi tham gia vì tôi được lệnh phải tham gia".

Tàu sân bay Independence bị Kamikaze đánh trúng.
Tàu sân bay Independence bị Kamikaze đánh trúng.

Tuy nhiên, nhìn chung thì không mấy khó khăn trong việc tuyển mộ phi công Kamikaze bởi lẽ tiêu chuẩn mà Hải quân Nhật đưa ra rất đơn giản: "Yêu cầu là bạn còn trẻ, hăng hái và nhanh nhẹn". Việc đào tạo cũng đơn giản không kém. Phi công chỉ cần học cách cất cánh trên tàu sân bay hoặc trên những đường băng bằng đất nện, kỹ thuật bay ở mức tối thiểu vì đã có những phi công kỳ cựu dẫn đường còn hạ cánh thì không cần thiết vì sau khi lao máy bay xuống tàu Mỹ, có ai trở về được nữa đâu!

Đại tá Motoharu Okamura, Phi đoàn trưởng Phi đoàn 201 nhận xét: "Người tình nguyện đông như một đàn ong dù họ đều biết rằng ong đốt xong là chết. Dù không có nhiều kinh nghiệm, nhưng những phi công "ong đốt" ấy cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho tàu sân bay Independence, Essex cùng một số tàu chiến khác như chiếc thiết giáp hạm Colorado và 2 tuần dương hạm.

Đợt tấn công cảm tử cuối cùng

Tháng 4-1945, quân Mỹ và đồng minh lần lượt chiếm Hong Kong, Malaysia, Singapore, Philippines, các đảo Midway, Guadalcanal, New Guinea và Solomon, Gilbert và Marshall, Marianas và Palau… Trước tình thế đó, để bảo vệ Okinawa, Đô đốc Matome Ugaki tổ chức những cuộc tấn công với gần 1.000 máy bay gồm những chiếc Zero và Nakajima Ki-115. Để tăng tính hiệu quả, họ thay những quả bom 250kg bằng bom 500kg.

Một máy bay Zero đang lao vào thiết giáp hạm Colorado
Một máy bay Zero đang lao vào thiết giáp hạm Colorado

Ngày 6-4-1945, 355 chiếc Zero tham gia một cuộc tấn công nhắm vào Hạm đội Thái Bình Dương, Mỹ. Do đã có kinh nghiệm chống Kamikaze, lưới lửa phòng không trên các tàu hộ vệ cùng với những chiếc tiêm kích P47, P51 đã bắn hạ 250 chiếc trước khi chúng đến gần. Tuy nhiên, các phi công Kamikaze cũng đã loại ra khỏi vòng chiến tàu sân bay Hancock, đánh đắm 2 tàu vận tải, gây thiệt hại nặng cho thiết giáp hạm Maryland và nhiều tàu khu trục.

Ngày 12-4-1945, 185 chiếc Zero có 135 máy bay tiêm kích đi theo yểm trợ đã tung ra một cuộc tấn công mới. Thế nhưng, chẳng những đã không đánh trúng một tàu Mỹ nào mà họ còn bị bắn rơi 176 chiếc. Đây được xem như đợt tấn công tự sát tập thể cuối cùng của phi đội Thần phong.

Ngày 6-8-1945, Mỹ ném quả bom nguyên tử thứ nhất xuống Hiroshima. 3 ngày sau, thành phố Nagasaki được chọn làm mục tiêu cho quả bom thứ hai. Nagumo kể: "Ngày 15-8, tất cả chúng tôi đều sững sờ khi nghe lời tuyên bố đầu hàng của Nhật hoàng Hirohito trên đài phát thanh. Nhiều phi công tức tốc lên máy bay lao ra biển - nhưng không phải để đánh đắm tàu Mỹ - mà là để tự sát theo tinh thần võ sĩ đạo. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh Đô đốc Ugaki, Tư lệnh Hạm đội 5 ở Kyushu cùng 10 phi công Kamikaze bay về hướng Okinawa. Trước đó, ông đã gửi lại cho chúng tôi một thông điệp, bày tỏ niềm tin về sự bất tử của đế chế và tinh thần Kamikaze"

Chiến tranh kết thúc, Hải quân Nhật mất 2.525 phi công Kamikaze, Không quân mất 1.387 phi công. Phía Mỹ và đồng minh có 57 tàu bị Kamikaze đánh đắm, 195 tàu khác hư hỏng - trong đó có 70 tàu hư hỏng không còn sửa chữa được, 4.900 phi công và lính hải quân chết, gần 5.000 người bị thương…

Theo Cao Trí/ Suicide pilots in the Pacific war

An ninh thế giới