Phe đối lập Hàn Quốc cáo buộc đảng cầm quyền muốn "đảo chính lần hai"
(Dân trí) - Phe đối lập Hàn Quốc cáo buộc đảng cầm quyền chuẩn bị "cuộc đảo chính thứ hai" bằng cách giữ quyền lực và từ chối luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol về việc ông ban bố lệnh thiết quân luật.
"Đây là hành động vi phạm pháp luật, hiến pháp, tương đương một cuộc nổi loạn và đảo chính thứ hai", lãnh đạo đảng Dân chủ Park Chan-dae ngày 9/12 cho biết, đồng thời kêu gọi đảng cầm quyền "dừng việc này ngay lập tức".
Tổng thống Tổng thống Yoon Suk-yeol cùng hàng loạt quan chức cấp cao đang bị điều tra liên quan tới việc ông Yoon ban bố lệnh thiết quân luật trong vài giờ hôm 3/12. Tuy nhiên, nỗ lực luận tội ông Yoon đã thất bại vào ngày 7/12 do sự tẩy chay của đảng cầm quyền. Đảng này khẳng định nhà lãnh đạo này đã đồng ý chuyển giao quyền lực cho thủ tướng và lãnh đạo đảng.
Theo ông Kim Hae-won, giáo sư luật hiến pháp tại Trường Luật Đại học Quốc gia Pusan, không có cơ sở hiến pháp nào ủng hộ tuyên bố của đảng cầm quyền rằng ông Yoon có thể tiếp tục tại vị nhưng chuyển giao quyền lực cho các quan chức đảng không được bầu chọn.
"Điều này có vẻ giống một cuộc đảo chính mềm vi hiến. Nếu có vấn đề với Tổng thống, hiến pháp đã quy định những cách thức như đình chỉ nhiệm vụ của tổng thống, sau đó tiến hành các thủ tục theo quy định của Hiến pháp, chẳng hạn như luận tội", ông nói.
Phe đối lập tuyên bố họ sẽ cố gắng luận tội tổng thống một lần nữa, và lãnh đạo Lee Jae-myung cho biết một cuộc bỏ phiếu khác sẽ được tổ chức vào ngày 14/12.
Theo hiến pháp Hàn Quốc, tổng thống vẫn giữ vai trò đứng đầu chính phủ và tổng tư lệnh quân đội, trừ khi bị mất năng lực, từ chức hoặc rời bỏ quyền lực.
Trong trường hợp đó, quyền lực sẽ được chuyển giao tạm thời cho thủ tướng cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức.
Các nhà điều tra Hàn Quốc đã bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng, khám xét văn phòng của ông, ra lệnh cấm xuất cảnh đối với nhiều quan chức cấp cao.
Cũng trong ngày 9/12, cảnh sát cho biết Tổng thống Yoon có thể sẽ bị triệu tập để thẩm vấn. Họ đồng thời đang xem xét khả năng cấm xuất cảnh đối với ông Yoon khi cuộc điều tra đang tiến triển nhanh chóng.
"Không có bất kỳ hạn chế về con người hay vật chất đối với đối tượng trong cuộc điều tra", ông Woo Jong-soo, quan chức cảnh sát cấp cao Hàn Quốc cho biết. Cảnh sát sẽ tiến hành điều tra "theo đúng pháp luật và nguyên tắc - không có bất kỳ ngoại lệ nào", ông nói thêm.
Bộ Quốc phòng xác nhận hôm 9/12 rằng Tổng thống Yoon vẫn giữ vị trí đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia, bất chấp khoảng trống quyền lực rõ ràng trong nước. Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, 63 tuổi, đã xin lỗi vì "sự lo lắng và bất tiện" mà tuyên bố thiết quân luật của ông gây ra, nhưng không từ chức. Thay vào đó, ông cho biết giao phó quyền quyết định số phận của mình cho đảng cầm quyền, và chấp nhận toàn bộ trách nhiệm chính trị và pháp lý liên quan đến thất bại của lệnh thiết quân luật.
Theo một cuộc khảo sát mới của Gallup do truyền thông địa phương thực hiện, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Yoon rơi xuống 11%, mức thấp nhất trong lịch sử.