1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Biến thể của SARS-CoV-2 nguy cơ kháng thuốc, kháng vắc xin

Vân Sơn

(Dân trí) - Cuộc chiến với dịch Covid-19 còn dài, dù có vắc xin hoặc có thuốc điều trị thì những biến thể vẫn liên tục diễn ra. Các chủng virus biến thể nguy cơ kháng thuốc, kháng vắc xin, thậm chí tăng độc lực.

Biến thể của SARS-CoV-2 nguy cơ kháng thuốc, kháng vắc xin - 1
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM phân tích các diễn biến khó lường của dịch Covid-19

Đó là phân tích của BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM trong buổi làm việc với đoàn công tác lãnh đạo thành phố do ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn.

BS Nguyễn Trí Dũng cho rằng: "Cuộc chiến với dịch Covid-19 còn lâu dài, cho dù có vắc xin hoặc có thuốc điều trị thì những biến thể vẫn liên tục diễn ra. Các chủng virus biến thể có thể kháng thuốc, kháng vắc xin, thậm chí tăng độc lực gây nguy hiểm cho bệnh nhân, gây khó khăn cho điều trị. Dịch bệnh diễn biến phức tạp khó có thể dự đoán trước".

Biến thể của SARS-CoV-2 nguy cơ kháng thuốc, kháng vắc xin - 2

TPHCM và các địa phương cần đầu tư nguồn lực lớn hơn cho lĩnh vực y tế dự phòng (ảnh: Phạm Nguyễn)

Từ thực tế trên, BS Trí Dũng đề xuất thành phố cần đầu tư các labo xét nghiệm hiện đại để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh; đặt phương án phòng dịch lên hàng đầu thay vì phải vất vả chống dịch. Bên cạnh đó, để chuẩn bị dài hơi cho lực lượng y tế đủ sức đương đầu với dịch bệnh, Chính phủ và TPHCM cần có những cơ chế đặc thù cho tế dự phòng trên cả nước nói chung, thành phố nói riêng giúp y tế dự phòng vừa có thể vừa chống dịch vừa đảm bảo kinh tế, phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo BS Trí Dũng, để những hoạt động của y tế công cộng, y tế dự phòng được mạnh thì không chỉ có HCDC mạnh mà toàn bộ hệ thống từ y tế tuyến quận huyện đến phường xã phải mạnh. Cần đảm bảo tối thiểu về nhân sự, trang thiết bị tối thiểu cho các hoạt động dự phòng với trọng tâm là phòng chống các loại bệnh dịch nguy hiểm.

Biến thể của SARS-CoV-2 nguy cơ kháng thuốc, kháng vắc xin - 3

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cần phải đặt nguồn lực phục vụ chống dịch lên hàng đầu (ảnh: Phạm Nguyễn)

Tại TPHCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật đã có đề án xây dựng cơ sở vật chất theo hướng trọng tâm, trọng điểm của ngành y tế giai đoạn 2021 đến 2026. Tuy nhiên, nếu chờ hoàn thiện cả hệ thống thì mất rất nhiều thời gian, chậm trễ trong phòng chống dịch. Do đó, trong thời gian chờ xây dựng cơ sở ngành, thành phố cần cho phép thực hiện dự án đầu tư trang thiết bị xét nghiệm, đặc biệt là giai đoạn hiện nay để tạo tiền đề quan trọng cho cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19 vốn đang diễn biến rất phức tạp.

Trước những đề xuất của Giám đốc HCDC, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho rằng: Tình hình dịch Covid-19 có thể thay đổi rất nhanh, khi xuất hiện biến chủng mới phương thức chống dịch sẽ phải thay đổi để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Thành phố quyết tâm thực hiện các phương án chủ động chống dịch chứ không ngồi chờ dịch đến mới chống. Do đó, thành phố sẽ ưu tiên cho những phương án khả thi, có hiệu quả cao để làm chủ mọi tình huống phát sinh".

Biến thể của SARS-CoV-2 nguy cơ kháng thuốc, kháng vắc xin - 4

Hệ thống xét nghiệm cần phải chủ động để đi trước dịch một bước, kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan (ảnh: Phạm Nguyễn)

Đồng tình ủng hộ những đề xuất của Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, ông Dương Anh Đức cho rằng: "Thành phố cần phải có nhân lực, vật tư trang thiết bị đủ để đương đầu và chiến thắng dịch bệnh kể cả trong tình huống dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu. Dù thành phố chưa khi nào vượt quá 50 ca bệnh nhưng Sở Y tế đã có những phương án chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống trên địa bàn xuất hiện từ 100 đến 200 và từ 200 đến 500 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2".

Trạng thái dưới 50 bệnh nhân trong đợt dịch vừa qua là tương đối an toàn cho thành phố nhưng cần sẵn sàng cho mọi phương án, không để mất đi thế chủ động, không để bị bất ngờ. UBND thành phố đề nghị ngành y tế cần xem xét nguồn dự trữ luôn chuẩn bị đủ mọi nguồn lực để đáp ứng cho tình huống xấu nhất, trường hợp thiếu hụt cần phải bổ sung ngay.

Biến thể của SARS-CoV-2 nguy cơ kháng thuốc, kháng vắc xin - 5

Dịch Covid-19 được dự báo sẽ còn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ biến chủng khó lường (ảnh: Phạm Nguyễn)

Liên quan đến các đề xuất của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, ông Dương Anh Đức cho biết: "Thành phố sẽ yêu cầu các đơn vị chức năng hỗ trợ cho lực lượng y tế, trong đó những thứ cần thiết nhất cho hoạt động chống dịch phải có ngay. Trước mắt, phương án nâng cấp trang thiết bị và nhân lực cho y tế dự phòng là điều cần được đẩy mạnh, nhưng phải căn cứ trên tình hình thực tế và các quy định của pháp luật để đảm bảo tính khả thi. Việc đầu tư trang thiết bị xét nghiệm, cũng như các phương tiện phục vụ chống dịch là rất cần thiết nhưng cần cân đối với gói sắp đầu tư trong tương lai để không trùng lắp, lãng phí song phải ưu tiên cho giải pháp chống dịch là số một".

Về đề xuất cơ chế tài chính đặc thù cho y tế dự phòng, ông Dương Anh Đức đề nghị Sở Tài chính ghi nhận và làm việc với Sở Y tế để lắng nghe những phương án cụ thể từ đó có chính sách phù hợp để ngành y tế thành phố phục vụ tốt hơn cho hoạt động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tình mạng của con người nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm