Phát hiện hình xăm cổ nhất thế giới trên xác ướp 5.000 năm
(Dân trí) - Các nhà khoa học đã tìm thấy dấu hiệu được cho là hình xăm cổ nhất thế giới trên hai xác ướp Ai Cập 5.000 năm tuổi.
Tạp chí Khảo cổ học (Journal of Archaeological Science) đưa tin, các nhà khoa học đã khám phá ra những dấu tích trên các xác ướp Ai Cập cổ đại mà họ cho rằng dường như là vết tích của những hình xăm.
Theo đó, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hình ảnh được cho là chú bò hoang và chú cừu Barbary trên cánh tay của xác ướp nam giới và hình chữ S trên cánh tay và vai của xác ướp nữ.
Nếu giả thuyết trên là chính xác thì đó sẽ là những hình xăm cổ xưa nhất thế giới mà con người hiện đại từng khám phá ra, vào khoảng 5.000 năm tuổi. Trước đó, các bằng chứng khoa học cho biết tục xăm mình dường như xuất hiện ở châu Phi cách đây 1.000 năm.
Daniel Antoine, một trong những tác giả chính của công trình nghiên cứu, cho biết khám phá lý thú này có thể thay đổi hiểu biết của con người ngày nay về cuộc sống của người cổ đại.
Xác ướp nam được tìm thấy cách đây khoảng 100 năm trước. Hình ảnh chụp cắt lớp CT cho thấy xác ướp trước đây là thanh niên độ tuổi 18-21 và tử vong vì bị đâm dao vào lưng.
Phần tối màu trên da cánh tay của xác ướp nam úc đầu được cho là chi tiết không quan trọng cho đến khi các nhà khoa học nó quét bằng bức xạ hồng ngoại và phát hiện ra đây nhiều khả năng là hình xăm 2 loài động vật có sừng.
Trên xác ướp nữ, các nhà khoa học phát hiện ra các dấu hiệu hình chữ S chạy dọc ở vai phải. Ngoài ra, trên cơ thể của xác ướp, họ cũng tìm ra dấu hiệu được cho là những cây gậy baton được sử dụng trong những điệu vũ có tính nghi lễ của người cổ đại.
Các nhà khoa học cho rằng hình xăm này dường như thế hiện địa vị, danh vọng, trí thông minh và lòng dũng cảm của người sở hữu chúng. Các xác ướp được tìm thấy ở Gebelein ở phía Nam của Ai Cập. Thi thể của những người này được chôn cất trong những ngôi mộ bình thường nhưng được bảo tồn một cách tự nhiên bởi nhiệt độ, độ mặn và sự khô cằn của sa mạc.
Kết quả giám định tuổi bằng phương pháp cacbon phóng xạ cho thấy rằng họ sống giữa năm 3351 và 3017 trước Công nguyên.
Đức Hoàng
Theo BBC