Phát biểu tại LHQ, Thủ tướng Australia kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19
(Dân trí) - Kêu gọi của Thủ tướng Australia rằng các nước trên thế giới phải tìm hiểu nguồn gốc của Covid-19 có thể khiến căng thẳng với Trung Quốc leo thang.
Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 26/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona gây đại dịch Covid-19 sẽ làm giảm thiểu nguy cơ xảy ra một đại dịch toàn cầu khác trong tương lai.
“Virus này đã giáng một tai họa tới thế giới của chúng ta và những người dân trên thế giới. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để hiểu chuyện gì đã xảy ra, không nằm ngoài mục đích ngăn chặn đại dịch tái diễn”, ông Morrison phát biểu tại cuộc họp trực tuyến.
“Cần một chỉ đạo rõ ràng để nhận dạng nguồn gốc từ động vật của virus corona gây dịch Covid-19, cũng như cách virus này lây nhiễm sang con người”, thủ tướng Australia nói thêm.
Đại dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Cho đến nay, dịch đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 993.000 người thiệt mạng và hơn 32,7 triệu người nhiễm bệnh. Australia hiện ghi nhận 870 ca tử vong và hơn 27.000 ca mắc Covid-19.
Hồi đầu năm, ông Morrison cũng từng đưa ra tuyên bố tương tự, khiến quan hệ Australia và Trung Quốc rơi vào căng thẳng. Thủ tướng Australia khi đó cũng kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19.
Trung Quốc đã phản bác mạnh mẽ tuyên bố của ông Morrison. Đại sứ Trung Quốc tại Australia cảnh báo việc Canberra kêu gọi điều tra có thể khiến quan hệ thương mại giữa hai nước bị xấu đi.
Trung Quốc hồi tháng 5 đã áp thuế với lúa mạch nhập khẩu từ Australia, cấm cửa 4 nhà sản xuất thịt bò hàng đầu của Australia, đồng thời cảnh báo sinh viên và khách du lịch Trung Quốc cẩn trọng khi tới Australia vì nguy cơ phân biệt chủng tộc.
Bộ Thương mại Trung Quốc hồi tháng 8 tuyên bố khởi động cuộc điều tra chống bán phá giá rượu vang nhập khẩu từ Australia, trong khi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rượu vang lớn nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của Australia.
Trung Quốc hồi tháng 8 cũng bắt giữ nhà báo Australia Cheng Lei với cáo buộc người này "đe dọa an ninh quốc gia". Giới chức Trung Quốc cũng thẩm vấn 2 nhà báo khác của Australia, đồng thời cấm xuất nhập cảnh đối với họ. Sau các cuộc đàm phán giữa giới chức ngoại giao hai bên, hai nhà báo này được dỡ lệnh cấm xuất cảnh để trở về Australia.
Trước đó, Australia hồi tháng 6 đã khám xét nơi ở của 4 nhà báo làm việc cho các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Australia. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Australia dừng ngay lập tức các hành động “phi lý”, chấm dứt hành vi “quấy rối và chèn ép” công dân Trung Quốc tại Australia.
Australia hồi đầu tháng 9 đã thu hồi thị thực của 2 học giả Trung Quốc gồm Chen Hong và Li Jianjun, lần lượt là lãnh đạo của các Trung tâm Nghiên cứu Australia tại Đại học Hoa Đông và Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Bắc Kinh, với cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia.
Đáp lại, Trung Quốc tuần trước áp lệnh cấm nhập cảnh đối với 2 công dân Australia gồm Clive Hamilton và Alex Joske. Đây là hai học giả có các nghiên cứu và tuyên bố gây bất lợi cho Bắc Kinh.