1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phóng viên Australia tiết lộ chuyện bị dọa bắt tại Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Một phóng viên Australia tại Bắc Kinh cho biết anh và con gái 14 tuổi đã bị dọa bắt giữ trước khi rời khỏi Trung Quốc cách đây 2 năm.

Phóng viên Australia tiết lộ chuyện bị dọa bắt tại Trung Quốc - 1

Phóng viên của hãng tin ABC từng bị dọa bắt ở Trung Quốc. (Ảnh minh họa: ABC)

Matthew Carney từng là phóng viên của hãng tin ABC của Australia tại Trung Quốc vào năm 2018. Vào thời điểm đó, Australia thông qua đạo luật cấm sự can thiệp của nước ngoài vào công việc chính trị nội bộ của Australia.

Carney cho biết sau khi đạo luật ra đời, anh và gia đình bắt đầu trải qua 3 tháng bị hăm dọa và đối mặt với mọi hình thức đe dọa.

Theo CNBC, Carney đã kể lại câu chuyện của mình trong cuộc phỏng vấn được phát trên đài phát thanh của ABC và trong bài viết đăng trên trang web của hãng tin này hôm 21/9. Hiện phía Trung Quốc chưa đưa ra phản hồi chính thức.

Carney cho biết anh được yêu cầu đưa con gái 14 tuổi, Yasmine, tới một đồn công an ở Bắc Kinh. Một nữ sĩ quan đã nói rằng anh và con gái đang bị điều tra vì “gian lận thị thực”.

Carney được thông báo con gái anh có thể bị giam giữ “cùng với những người trưởng thành khác” tại một nơi chưa được tiết lộ.

Nam phóng viên Australia kể lại rằng anh đã đề nghị được rời khỏi Trung Quốc cùng vợ và 3 con vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, Carney không được phép rời đi khi anh đang nằm trong diện điều tra.

Khi thời hạn thị thực chỉ còn vài ngày, Carney được thông báo rằng anh có thể bị giam giữ.

Sau khi tham vấn Đại sứ quán Australia tại Trung Quốc và hãng tin ABC, Carney đã quyết định nhận tội và xin lỗi vì vi phạm quy định về thị thực. Đổi lại, con gái anh được cho phép sống cùng gia đình.

Lời khai của Carney đã được ghi lại và nữ sĩ quan Trung Quốc cho biết sẽ gửi báo cáo lên cấp cao hơn để xem xét. Khi thời hạn thị thực của gia đình Carney chuẩn bị kết thúc, phóng viên Australia nhận được cuộc gọi thông báo thị thực của anh và gia đình đã được gia hạn thêm 2 tháng.

Theo Carney, vụ việc trên là “màn kịch” để Trung Quốc gửi thông điệp tới anh và chính phủ Australia rằng: “Nếu các bạn đưa tin không tốt, hoặc nếu chính phủ của các bạn thông qua đạo luật hà khắc mà chúng tôi không đồng tình, các bạn sẽ phải trả giá”.

Carney cũng cho biết anh đã nhanh chóng quyết định rời khỏi Trung Quốc sau khi một phụ nữ Trung Quốc dọa sẽ kiện anh vì tội “bôi nhọ”, liên quan tới một bài viết của Carney về những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc điều chỉnh hành vi của người dân. Carney được khuyến cáo rằng, một khi quy trình tố tụng nhằm vào anh được thực hiện, anh sẽ bị cấm rời khỏi Trung Quốc.

Carney đã giấu kín câu chuyện xảy ra với gia đình anh cho tới gần đây. Carney cho biết anh muốn tránh “những hệ quả tiêu cực” xảy ra với hoạt động của ABC tại Trung Quốc nếu câu chuyện của anh được tiết lộ.

Australia hồi tháng 7 đã cảnh báo người dân nước này về nguy cơ bị bắt giữ khi tới Trung Quốc.

Theo SCMP, cách đây 2 tuần, hai phóng viên Australia gồm Bill Birtles, phóng viên của hãng tin ABC và Michael Smith, phóng viên của Thời báo tài chính Australia (AFR) đã vội vã bắt chuyến bay trở về Sydney vào đêm 7/9 sau khi bị Bộ Công an Trung Quốc thẩm vấn.

Tháng 1/2019, Yang Hengjun, một tiểu thuyết gia và blogger người Australia gốc Hoa, đã bị bắt tại Trung Quốc sau khi bị cáo buộc gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc.  Australia hồi tháng 8 cũng thông báo Cheng Lei, nhà báo Australia gốc Hoa, đã bị bắt giữ tại Trung Quốc. Lei đang làm việc cho CGTN - kênh tiếng Anh của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc.

Các vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh quan hệ Australia và Trung Quốc đang ở trong giai đoạn căng thẳng gần đây, sau khi Canberra kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19. Hai nước cũng căng thẳng trong các vấn đề liên quan tới thương mại, luật an ninh Hong Kong và Biển Đông.