1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Pháp theo đuổi thỏa thuận hạt nhân tại "sân sau" của Nga

Quốc Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Emmanuel Macron ngày 1/11 bắt đầu chuyến thăm Kazakhstan và Uzbekistan, nơi ông hy vọng ký kết thỏa thuận uranium cho các nhà máy hạt nhân của Pháp.

Pháp theo đuổi thỏa thuận hạt nhân tại sân sau của Nga - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: AFP).

Chuyến thăm của ông Macron tới 2 nước nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng của Pháp trong khu vực có quan hệ chặt chẽ với Nga và cũng đang ngày càng gần gũi hơn với Trung Quốc, Politico ngày 1/11 dẫn lời một quan chức Điện Elysée.

Kazakhstan và Uzbekistan lần lượt là những nhà cung cấp uranium lớn nhất và lớn thứ ba của Pháp. Uranium được đốt để làm nhiên liệu cho các nhà máy hạt nhân tại Pháp.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Pháp đang gặp căng thẳng với các nhà cung cấp lớn hiện tại của EU là Niger và Nga.

Mùa hè năm 2022, quân đội đã lên nắm quyền tại Niger, nơi cung cấp 15% nhu cầu uranium của Pháp, làm dấy lên câu hỏi liệu quốc gia châu Phi này có thể tiếp tục là nguồn cung đáng tin cậy hay không. Sự bất ổn cũng phủ bóng lên nguồn nhập khẩu uranium từ Nga kể từ khi Moscow mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.

"Niger đã đặt ra câu hỏi, và Nga có thể đặt ra câu hỏi về lâu dài nếu EU áp đặt các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực hạt nhân. Chuyến thăm của ông Macron tới Trung Á giúp đề phòng những lo ngại đó", ông Phuc-Vinh Nguyen, chuyên gia năng lượng tại Viện Nghiên cứu Jacques Delors ở Paris, cho biết.

Lĩnh vực hạt nhân của Nga cho đến nay vẫn chưa trở thành mục tiêu trừng phạt của EU nhưng các nước thành viên khối này vẫn đang tiếp tục rời xa Moscow.

Lượng uranium mà EU nhập khẩu từ Nga vào năm ngoái đã giảm 16% so với năm 2021, trong khi lượng uranium từ Kazakhstan tăng hơn 14%.

Đầu năm nay, Yerzhan Mukanov, Giám đốc điều hành của công ty hạt nhân nhà nước Kazatomprom, nói với Politico rằng ông nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng từ châu Âu, đồng thời Kazakhstan "có ý định trở thành nước đóng góp đáng kể cho thị trường hạt nhân châu Âu".

Công ty hạt nhân Orano của Pháp đang hoạt động tích cực ở Kazakhstan, nơi họ đã vận hành các mỏ uranium từ những năm 1990 và gần đây hơn là ở Uzbekistan.

Chủ tịch Orano Claude Imauven sẽ tháp tùng ông Macron trong chuyến đi cùng với 14 giám đốc điều hành người Pháp khác, trong đó có ông Luc Remont, người đứng đầu tập đoàn năng lượng khổng lồ EDF.

Quan chức Elysée cho biết các hợp đồng mới và quan hệ đối tác kinh doanh sẽ được công bố trong chuyến đi, bao gồm trong lĩnh vực năng lượng.

EDF cũng đã định vị mình là nhà cung cấp lò phản ứng hạt nhân cho nhà máy hạt nhân đầu tiên của Kazakhstan.

Theo Politico