Pháo GAU-22/A không khiến F-35 mạnh hơn
Dù có tốc độ bắn lên đến 3.300 phát/phút, tuy nhiên pháo GAU-22/A không giúp tiêm kích F-35 mạnh hơn trong các tình huống không chiến.
Theo Business Insider hôm 16/5, Thủy quân lục chiến Mỹ đăng tải đoạn video ghi lại cảnh một chiếc tiêm kích F-35B lần đầu tiên thực hành bắn pháo siêu nhanh Gatling GAU-22/A 25 mm trong tình huống không chiến giả định. Trong cuộc thử nghiệm, đạn của GAU-22/A đã rời nòng với tốc độ kinh hoàng 1km/s.
GAU-22/A được giấu phía trong phi cơ, đảm bảo F-35 giữ được khả năng tàng hình cho đến khi nó được kích hoạt. Dù bắn với tốc độ kinh hoàng nhưng GAU-22/A trên F-35 đang là một chủ đề gây tranh cãi.
Một số người lên tiếng chỉ trích do nó chỉ nạp được 181 viên đạn, ít hơn so với súng GAU-8/A Avenger của chiến đấu cơ A-10 Thunderbolt với băng đạn 1.174 viên 30 mm. Vì vậy những người phản đối tin rằng, khẩu pháo này không khiến tiêm kích F-35 mạnh hơn trong các tình huống không chiến tầm gần.
Và đây chính là nguyên nhân khiến Mỹ đang chật vật nâng cấp chiến đấu cơ này để mang được tên lửa đối không tầm gần AIM-9X. Theo cơ quan báo chí của Văn phòng Chương trình F-35, cánh ngoài của 32 tiêm kích tàng hình F-35C cần phải được sửa chữa để có thể mang tên lửa không đối không AIM-9X, vũ khí chính trong các cuộc không chiến tầm gần.
Tiêm kích F-35C được ghi nhận những giao động bất ổn trong quá trình thử nghiệm với tên lửa AIM-9X hồi tháng 12/2015. "Chúng tôi phát hiện phần gấp bên ngoài của cánh có kết cấu độ bền không đủ chịu lực khi lắp giá treo tên lửa AIM-9X trong cuộc diễn tập gần đây", Trung tướng Christopher Bogdan cho biết.
Trước khi tiết lộ thông tin này, Tư lệnh Không quân Mỹ, Tướng Herbert Carlisle vừa thừa nhận: "Tiêm kích F-35 không phải là một mẫu máy bay linh hoạt và không được thiết kế cho cận chiến trước đối thủ như Su-35 của Nga".
Tạp chí National Interest dẫn phân tích của chuyên gia quân sự David Axe cho biết: "Vào giữa năm 2015, chứng cứ đã lộ ra rằng, mẫu máy bay hiện đại thế hệ 5 Mỹ từng tuyên bố là có thể tấn công cả mặt đất lẫn trên không, không thể chuyển hướng và tăng tốc đủ nhanh để chiến thắng trong cận chiến với những mẫu tiêm kích khác”.
Thiếu khả năng không chiến tầm gần có thể coi là một vấn đề không quá lớn, do F-35 được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tầm xa. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc Mỹ quyết định đưa F-35 vào thay thế 90% số lượng các máy bay tiêm kích chiến thuật, trong khi Nga và Trung Quốc đang chủ động phát triển các loại chiến đấu cơ cận chiến hiện đại.
Được biết, đây không phải là lần đầu các nhà quân sự Mỹ thừa nhận sự yếu kém của F-35 so với các chiến đấu cơ của Nga, đặc biệt là tiêm kích Su-35. Sự thừa nhận đã được các quan chức Mỹ và Australia miễn cưỡng đưa ra từ năm 2010 trong một trận chiến giả định trên không.
Cụ thể, một trận chiến giả định trên không đã được thực hiện, mô phỏng chiến đấu cơ siêu cơ động thế hệ 4 ++ Su-35 của Nga chống lại một phi đội hỗn hợp bao gồm các máy bay chiến đấu của Mỹ là F-22, F/A-18 Super Hornet và F-35. Kết quả là phi đội chiến đấu cơ của Mỹ đã bị đánh cho "te tua".
Cuộc chiến mô phỏng được thực hiện tại căn cứ không quân Hickam của Mỹ ở Hawaii, trước sự chứng kiến của ít nhất bốn thành viên thuộc lực lượng không quân và tình báo quân sự Australia. Nghị sĩ quốc hội Australia Dennis Jensen với những hiểu biết của mình cho rằng, F-35 đã bị Su-35 “đánh bại một cách không thương tiếc".
Trả lời phỏng vấn của Aviation Week, chyên gia hàng không Bill Sweetman nói rằng, F-35 hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tàng hình (trong khi công nghệ này không phải là áo tàng hình của Harry Potter) và không thích hợp khi tham gia các cuộc chiến tầm gần vì nó rất dễ bị bắn hạ.
Muốn giành được lợi thế trong không chiến trước đối thủ, tiêm kích F-35 chỉ còn cách duy nhất là dựa vào tài năng của phi công. Nhưng phương án này cũng không phải là cứu cánh bởi trình độ của phi công Nga là không thể phủ nhận, Bill Sweetman nhận định.
Clip khẩu GAU-22/A trên F-35B bắn đạn thật trong không chiến giả định:
Theo Đan Nguyên
Đất Việt