1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Pháo cối Nga phát nổ trong trận tập kích của Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Quân đội Ukraine tuyên bố tiếp tục phá hủy các khí tài quân sự của Nga, trong đó có pháo cối tự hành 2S4 Tyulpan và hệ thống tên lửa phòng không MANPADS.

Theo trang tin quân sự mil.in.ua, pháo cối tự hành 2S4 Tyulpan của Nga đã bị phá hủy trong trận tập kích của lữ đoàn cơ giới chuyên biệt số 14 thuộc lực lượng vũ trang Ukraine.

Hỏa lực tấn công đã được điều chỉnh bằng một máy bay không người lái (UAV) trinh sát do các tình nguyện viên bàn giao cho lữ đoàn.

Pháo cối mạnh nhất của Nga phát nổ trong trận tập kích ở Ukraine

Vụ tấn công được cho là do nhóm pháo binh của lữ đoàn thực hiện.

Vào thời điểm bị tấn công, pháo cối 2S4 Tyulpan đang trong tình trạng trực chiến. Hình ảnh từ video cho thấy khí tài của Nga bốc cháy sau khi trúng hỏa lực.

2S4 Tyulpan "Tulip thép" do các kỹ sư từ phòng thiết kế SKB thuộc nhà máy chế tạo máy Perm thiết kế từ năm 1967. Loại vũ khí này được đưa vào biên chế trong quân đội Liên Xô từ năm 1975 và ngay lập tức trở thành một trong những loại pháo tự hành uy lực nhất không chỉ ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới.

Pháo cối Nga phát nổ trong trận tập kích của Ukraine - 1

Tổ hợp 2S4 Tyulpan (Ảnh: mil.in.ua).

Tổ hợp 2S4 có thể bắn ra đạn cối kích thước 240mm và là tổ hợp súng cối nòng lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. 2S4 có thể phóng nhiều loại hỏa lực đa dạng từ đạn nổ mạnh, đạn xuyên giáp, đạn định tầm, đạn chùm, đạn tự dẫn đường cho tới đầu đạn hạt nhân có sức công phá đến 2 kiloton.

Nhờ quỹ đạo đạn bắn cầu vồng, 2S4 Tyulpan có thể phá hủy các mục tiêu bị che khuất, nằm sâu trong các tuyến phòng thủ.

2S4 có tính cơ động cao và có thể khai hỏa hiệu quả trong nhiều tình huống tham chiến ở các khu vực địa hình khác nhau, trong đó nổi bật là tính linh hoạt trong việc phá hủy mục tiêu ở những nơi hẻm núi, hang động thậm chí các pháo đài.

2S4 có tầm bắn khoảng 20km. Theo các chuyên gia quân sự, nếu triển khai 5 tổ hợp cối này đồng loạt khai hỏa, nó có khả năng tạo ra một trận "mưa hỏa lực", đủ sức phá hủy nhiều tòa nhà kiên cố và xe bọc thép của đối phương.

UAV Ukraine phá hủy hệ thống MANPADS Nga

Ukraine cũng công bố đoạn video ghi lại cuộc tấn công của máy bay không người lái Ukraine nhằm vào các hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) của Nga.

Hình ảnh từ video cho thấy các tổ hợp MANPADS ở chiến hào của Nga bị trúng đạn từ UAV do lính dù Ukraine điều khiển. Các binh sĩ từ lữ đoàn không kích số 79 thuộc lực lượng vũ trang Ukraine đã phát hiện mục tiêu và khai hỏa.

Trong cuộc xung đột ở Ukraine, các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai đã gây ra mối đe dọa lớn trên chiến trường. Ukraine đã triển khai 2 loại MANPADS chính bao gồm tên lửa Igla và tên lửa Stinger do phương Tây viện trợ.

Pháo cối Nga phát nổ trong trận tập kích của Ukraine - 2

Hệ thống MANPADS Igla (Ảnh: mil.in.ua).

Igla là hệ thống tên lửa phòng không cơ động được thiết kế để tấn công máy bay quân sự, phương tiện bay không người lái và tên lửa hành trình bay ở cự ly từ 500m đến 6.000m và độ cao từ 10m đến 3.500m. Nó có tốc độ 850m/s, khoảng Mach 3,5 (gấp 3,5 lần tốc độ âm thanh).

Hệ thống bao gồm tên lửa 9М39, ống phóng 9P39, bộ kích hoạt 9P516 với bộ dò radar mặt đất tích hợp 1L14 và máy tính bảng điện tử cầm tay 1L110. 9М39 được trang bị đầu dò hồng ngoại, có thể đã theo dõi vệt nhiệt và bắn trúng tên lửa hành trình.

Theo Eurasian Times, với những tên lửa bay thấp như vậy, chúng gần như không thể bị đánh trúng bởi ngay cả những hệ thống phòng không tiên tiến. Do đó, MANPADS phù hợp nhất để đánh chặn các mục tiêu bay thấp một cách hiệu quả.

Theo mil.in.ua