1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phản ứng của Triều Tiên về thông tin đưa quân đội tới Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Đại sứ Triều Tiên đã tránh câu hỏi xác nhận việc triển khai quân đội tới Nga, đồng thời khẳng định quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Phản ứng của Triều Tiên về thông tin đưa quân đội tới Nga - 1

Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song (Ảnh: Reuters).

"Việc triển khai quân đội Triều Tiên để giúp Nga tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraine đã làm thay đổi cơ bản bản chất của cuộc chiến này, gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh rộng lớn hơn của châu Âu", Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Robert Wood phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở New York hôm 27/11.

Đại sứ Mỹ sau đó đã chuyển trọng tâm bài phát biểu sang ông Kim Song, đại diện thường trực của Triều Tiên tại Liên hợp quốc, và đặt câu hỏi cho đại diện Triều Tiên.

"Một câu hỏi rất đơn giản: Triều Tiên đã triển khai quân đội tới Nga chưa?", ông Wood nói.

Đại sứ Kim không trả lời trực tiếp câu hỏi của Đại sứ Wood, thay vào đó, ông tuyên bố, "hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Triều Tiên và Nga hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc".

Ông Kim nói rằng Triều Tiên "vẫn trung thành với nghĩa vụ của mình theo hiệp ước" đã ký với Nga. 

Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), tuyên bố trên của nhà ngoại giao Triều Tiên có thể được coi là lời xác nhận ngầm về việc nước này đã triển khai quân đội tới Nga.

Trong bài phát biểu trước đó tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an, đặc phái viên Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng và Moscow đang "phát triển quan hệ song phương trong mọi lĩnh vực, bao gồm chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa" theo hiệp ước chung.

"Triều Tiên sẽ vẫn trung thành với nghĩa vụ của mình theo hiệp ước và tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ với Nga để đóng góp vào hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu cũng như thực hiện công lý quốc tế", ông Kim nhấn mạnh.

Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện Nga - Triều Tiên, được ký kết vào tháng 6 trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống Vladimir Putin, nhằm thay thế một số thỏa thuận trước đó giữa 2 nước.

Theo hiệp ước, nếu một trong 2 bên bị một hoặc nhiều nước khác tấn công và rơi vào tình trạng chiến tranh, bên còn lại sẽ lập tức sử dụng mọi phương thức có thể để cung cấp hỗ trợ về quân sự hoặc các lĩnh vực khác.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh rằng thỏa thuận mới giữa 2 nước phản ánh "lập trường phòng thủ đơn thuần" và chỉ những ai có kế hoạch tấn công Nga hoặc Triều Tiên mới phản đối.

Mỹ và đồng minh từng cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga để hỗ trợ Moscow trong cuộc chiến chống Ukraine và đổi lấy viện trợ công nghệ cho các chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng.

Mỹ cũng cáo buộc Triều Tiên đưa hơn 11.000 quân tới Nga để chiến đấu cùng lực lượng Moscow trong cuộc xung đột với Ukraine.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc tuyên bố, quân đội Triều Tiên được triển khai tới Nga đã được phân công vào lữ đoàn không quân và thủy quân lục chiến của Moscow, trong đó một số binh lính đã tham gia chiến đấu.

Nga và Triều Tiên đến nay tiếp tục bác bỏ cáo buộc Triều Tiên đưa quân đến Nga để tham chiến, cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ. Mặt khác, Moscow nêu rõ, kể cả kịch bản Triều Tiên đưa lính đến Nga cũng không vi phạm luật pháp quốc tế.