Phản ứng của Mỹ sau khi Triều Tiên thẳng thừng từ chối đàm phán
(Dân trí) - Mỹ đã đưa ra phản hồi về cơ hội đối thoại với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phát tín hiệu "dập tắt" triển vọng đàm phán với Washington.
"Đại sứ Sung Kim, đặc phái viên của chúng tôi về Triều Tiên, gần đây đã đến Hàn Quốc, nơi ông ấy đã gặp các quan chức Hàn Quốc", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ ngày 1/7.
"Tại Hàn Quốc, ông Sung Kim tái khẳng định rằng chúng tôi sẵn sàng tham gia đàm phán ngoại giao với Triều Tiên mọi lúc mọi nơi, và chúng tôi vẫn đang chờ phản hồi mang tính xây dựng từ phía Triều Tiên", ông Price nói thêm.
Ông Price cho biết Mỹ vẫn tiếp tục tin rằng đối thoại là cách tốt nhất để tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
"Chúng tôi tin rằng thông qua cam kết rõ ràng và thực tế đối với các đồng minh và đối tác của chúng tôi và với Triều Tiên, chúng tôi có thể đạt được tiến triển về những gì được xem là mục tiêu của chúng tôi - đó là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đó là những gì chúng tôi đang tập trung xem xét", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Trước đó, tại cuộc họp với người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản tại Seoul hôm 21/6, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề Triều Tiên Sung Kim cho biết, chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden kêu gọi "phương thức tiếp cận thực tế và linh hoạt", trong đó có giải pháp ngoại giao với Triều Tiên.
"Chúng tôi tiếp tục hy vọng rằng Triều Tiên sẽ phản ứng tích cực với cách tiếp cận của chúng tôi và đề nghị của chúng tôi về việc sẵn sàng gặp mọi lúc, mọi nơi, vô điều kiện", ông Sung Kim nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Sung Kim cũng tuyên bố Mỹ sẽ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên liên quan đến các vụ thử nghiệm hạt nhân và vũ khí.
Phát biểu của ông Sung Kim được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, Triều Tiên cần chuẩn bị cho cả khả năng "đối thoại và đối đầu" với Mỹ. Đây được xem là phản ứng trực tiếp đầu tiên và cấp cao nhất của Bình Nhưỡng kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức và đưa ra cách tiếp cận mới, nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân thông qua con đường ngoại giao.
Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan gọi tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên là một tín hiệu "thú vị" và cho biết Washington sẽ chờ thêm những liên lạc trực tiếp từ Bình Nhưỡng trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un và là quan chức cấp cao của Triều Tiên, đã dập tắt hy vọng của Mỹ khi nói rằng, Washington dường như đang hiểu sai tín hiệu từ Bình Nhưỡng về triển vọng đàm phán. Bà Kim Yo-jong cảnh báo Mỹ không nên suy diễn phát ngôn của nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu không muốn thất vọng lớn.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son Gwon cũng nói rằng đàm phán với Mỹ "sẽ không đi đến đâu, mà chỉ làm lãng phí thời gian quý báu". Ngoại trưởng Ri cho biết Bộ Ngoại giao Triều Tiên hoan nghênh "tuyên bố rõ ràng" của bà Kim Yo-jong "để phủ nhận những suy tính, phỏng đoán và kỳ vọng vội vàng của Mỹ".
Chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên về giải trừ hạt nhân, sau khi hoàn tất việc đánh giá chính sách với Triều Tiên hồi tháng 4. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn chưa có dấu hiệu nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2019.