Phần Lan nêu lý do Nga sẽ không tấn công NATO
(Dân trí) - Tư lệnh Lực lượng vũ trang Phần Lan tin rằng Nga khó có thể tấn công trực tiếp một quốc gia thành viên NATO ở thời điểm hiện tại.
Tướng Janne Jaakkola, tư lệnh Lực lượng vũ trang Phần Lan, ngày 2/5 nói rằng việc kích hoạt Điều 5 của NATO, quy định về phòng vệ tập thể trong trường hợp NATO bị tấn công, "luôn luôn có thể thực hiện được, nhưng nếu chúng ta hành động đúng đắn và duy trì sự thống nhất, tôi cho rằng một cuộc tấn công khó có thể xảy ra".
Điều 5 về phòng thủ tập thể của NATO quy định, bất cứ cuộc tấn công hay mối đe dọa nào nhằm vào một trong các thành viên của khối sẽ bị coi là tấn công, đe dọa cả liên minh. Khi đó, NATO có quyền đáp trả tập thể.
Tướng Phần Lan lưu ý rằng Moscow hiện quá bận rộn chuẩn bị cho chiến dịch tấn công mới vào mùa hè ở Ukraine nên chưa thể tính đến việc tấn công NATO.
Tuy nhiên, ông cảnh báo, Nga có khả năng sẽ tiếp tục các cuộc tấn công phối hợp nhằm vào các nước châu Âu dưới hình thức gây nhiễu GPS, gây ảnh hưởng đến các hoạt động và tạo điều kiện cho việc di cư bất hợp pháp sang các nước láng giềng, trong đó có Phần Lan.
"Mục đích của Nga là họ muốn gây ra càng nhiều chia rẽ ở châu Âu càng tốt, để sự đoàn kết và gắn kết của chúng ta yếu đi một chút", tướng Jaakkola nhận định.
Trước đó, Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski hồi tháng 4 cảnh báo cuộc tấn công của Nga vào bất kỳ quốc gia NATO nào chắc chắn sẽ dẫn đến sự thất bại của Moscow. Ông cho biết "NATO có lực lượng lớn gấp 3 lần, nguồn lực phòng không lớn gấp 3 và số lượng tàu chiến gấp 4 lần của Nga".
Theo nhà ngoại giao Ba Lan, Nga chỉ có hơn 1,3 triệu quân nhân sau đợt huy động đầu tiên vào tháng 9/2022. Trong khi đó, lực lượng của NATO chưa huy động là 3,5 triệu người, gấp gần 3 lần của Nga.
Ngoài ra, GDP danh nghĩa của các nước NATO và EU là hơn 45.000 tỷ USD, trong khi của Nga và Belarus chỉ là 2.200 tỷ USD, tức là ít hơn 20 lần.
Gần đây, một số quan chức phương Tây cho rằng, Nga có thể tấn công các nước NATO trong vòng 5-8 năm tới nếu giành chiến thắng ở Ukraine.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định, hiện có một số dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột lớn với NATO, trong đó có việc tăng quy mô sản xuất quốc phòng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ những suy đoán này. "Điều này thật vô nghĩa. Những suy đoán rằng chúng tôi sẽ tấn công châu Âu sau Ukraine hoàn toàn vô nghĩa và chỉ nhằm dọa người dân của họ để lấy tiền của họ", ông tuyên bố hồi cuối tháng 3.
Mặt khác, Moscow cũng cảnh báo nguy cơ xung đột lan rộng do việc phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí cho Kiev hay việc mối đe dọa từ NATO đối với Nga ngày càng lớn.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo rằng Moscow sẽ coi vũ khí hạt nhân mà nước ngoài triển khai ở Ba Lan là mục tiêu quân sự chính. Ông cho biết, Moscow coi bất kỳ sự mở rộng nào trong thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO là "gây bất ổn sâu sắc" về bản chất và "đe dọa" Nga.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết nước này sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine leo thang. Ông nói, Warsaw có lập trường như vậy là do "Nga đang ngày càng quân sự hóa" vùng Kaliningrad giáp Ba Lan và Lithuania và Moscow cũng triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus.