1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phân biệt chủng tộc - căn bệnh khó lành với nước Mỹ

Có tới 11 người thiệt mạng, 6 người bị thương trong vụ tấn công chống lại người Do Thái được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ tại thành phố Pittsburgh của bang Pennsylvania . Thảm kịch này cho thấy, phân biệt chủng tộc vẫn là căn bệnh trầm kha với nước Mỹ.


Bên ngoài thánh đường Tree of Life, nơi xảy ra vụ nổ súng tấn công người Do Thái

Bên ngoài thánh đường Tree of Life, nơi xảy ra vụ nổ súng tấn công người Do Thái

Một lần nữa người ta lại thấy, ẩn sau bức tranh đa sắc của một nước Mỹ phồn vinh, một xã hội phát triển hàng đầu thế giới và luôn tự hào với những giá trị của bình đẳng và dân chủ, là mâu thuẫn gay gắt giữa các hệ phái tư tưởng dân tộc, là sự thù hận sắc tộc chỉ cần có cơ hội là bùng phát thành bạo lực.

Đúng là nước Mỹ đã làm rất nhiều việc để phá bỏ quan điểm cho rằng đất nước này được xây lên từ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, rằng những “hòn đá tảng” đầu tiên làm nên nước Mỹ được đặt bởi những người đàn ông da trắng. Ngay sau cuộc nội chiến (từ năm 1861 - 1865), Quốc hội Mỹ thông qua Tu chính án thứ 13, chính thức bãi bỏ chế độ nô lệ. Năm 1964, Đạo luật Dân quyền được thông qua, tuyên bố mọi sự phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc, giới tính đều là bất hợp pháp.

Thế nhưng, như một nhà nghiên cứu Pháp nhận xét, xung đột sắc tộc ở Mỹ giống như bệnh AIDS, virus HIV chỉ nằm im chứ không thể bị tiêu diệt hoàn toàn và hễ có cơ hội là ngay lập tức phát tác. Soi lại lịch sử, trong một thế kỷ gần đây, Mỹ luôn vẫn phải đối mặt với những vụ bạo động mang màu sắc kỳ thị chủng tộc. Có thể kể ra một số vụ việc điển hình như đụng độ sắc tộc ở Charlotte, Bắc Carolina hồi tháng 9-2016; biểu tình và bạo động sắc tộc ở Ferguson, Missouri vào tháng 8-2014; lùi xa hơn một chút là vụ nổi loạn ở Cincinnati, Ohio, tháng 4-2001; rồi vụ bạo lực sắc tộc ở Miami, Florida hồi tháng 5-1980...

Nguyên nhân sâu xa của các vụ bạo động sắc tộc kể trên không phải chỉ vì mất an ninh, tội phạm gia tăng, mà là hệ quả của một xã hội bị rạn nứt, thậm chí chia rẽ mà chưa một chính quyền nào ở Mỹ có thể giải quyết được tận gốc rễ. Có chăng những vết nứt đó mới chỉ tạm thời được xóa nhòa bằng cách tôn vinh những giá trị tự do, bình đẳng. Nhưng sự kỳ thị chủng tộc ở Mỹ, cả với người da đen lẫn da trắng, chưa bao giờ “chết”, chúng chỉ “ngủ” và có thể thức dậy bất cứ lúc nào nếu có nhân tố đánh thức.

Nguy hiểm hơn là sau hàng chục năm gần như biến mất khỏi đời sống xã hội Mỹ, các tổ chức phân biệt chủng tộc hay thù hằn đã bất ngờ tái sinh như tổ chức 3K vốn chủ trương đề cao thuyết người da trắng thượng đẳng.

Trở lại với vụ tấn công xảy ra tại giáo đường Tree of Life ở thành phố Pittsburgh của bang Pennsylvania làm 11 người thiệt mạng và 6 người bị thương. Viết trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng: “Những thứ xảy ra với sự căm ghét trên đất nước chúng ta và nói thẳng, là trên toàn thế giới, thật kinh khủng, kinh khủng. Cần làm gì đó về việc này”.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions thì tuyên bố: “Hận thù và bạo lực trên cơ sở tôn giáo không có chỗ đứng trong xã hội của chúng ta”.

Chính quyền Washington tỏ rõ quyết tâm ngăn chặn bạo lực sắc tộc, Robert Bowers - nghi phạm vụ tấn công giáo đường Do Thái Tree of Life chắc chắn sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất. Nhưng để xóa bỏ “bóng ma” kỳ thị chủng tộc thì nước Mỹ còn phải nỗ lực rất nhiều.

Theo Hoàng Sơn

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm