1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phái đoàn Mỹ ấn tượng khi lần đầu tới thăm Crimea

(Dân trí) - Đoàn các nhà hoạt động xã hội người Mỹ đã rất ấn tượng khi lần đầu tới thăm Crimea và chứng kiến các công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng hiện đại của vùng bán đảo từng sáp nhập vào Nga 4 năm trước.

Các nhà hoạt động Mỹ (Ảnh: Ruptly)
Các nhà hoạt động Mỹ (Ảnh: Ruptly)

Theo Sputnik, một đoàn gồm 4 nhà hoạt động xã hội người Mỹ thuộc tổ chức “Trung tâm sáng kiến dân sự” (CCI), có trụ sở tại Mỹ, đã bắt đầu chuyến thăm bán đảo Crimea từ ngày 6/9. Đây là tổ chức dân sự phi chính phủ được thành lập từ những năm 1980, có tôn chỉ hoạt động nhằm làm giảm căng thẳng giữa 2 cường quốc Nga và Mỹ. Mục đích chuyến thăm lần này của đoàn đại biểu Mỹ là nhằm tìm hiểu về cuộc sống và con người Crimea và mang những thông tin này trở về truyền đạt lại cho người dân nơi họ sinh sống.

“Chuyến thăm lần này thật tuyệt vời. Điều đầu tiên khiến tôi chú ý và tạo nên ấn tượng không thể nào quên chính là sân bay và đường xá ở khu vực Simferopol. Thành phố này đẹp tuyệt vời và con người rất thân thiện. Ấn tượng của tôi về Crimea là rất tích cực”, đại diện phái đoàn, bà Catherine Metz, cho hay.

Bốn nhà hoạt động Mỹ đã bắt đầu chuyến thăm Crimea 3 ngày bằng việc tới trại trẻ mồ côi ở thành phố Simferopol. Sau đó, họ sẽ gặp gỡ với các quan chức thuộc cơ quan lập pháp Crimea trước khi di chuyển tới Yalta và Sevastopol.

“Ấn tượng của tôi là chúng tôi dường như không nghe được câu chuyện một cách hoàn toàn chính xác vì vậy tôi rất hạnh phúc khi được tới Crimea. Tại thị trấn quê nhà của tôi, mọi người không biết quá nhiều về Crimea, họ chủ yếu lĩnh hội thông tin từ báo chí, truyền hình. Vì vậy tôi đến đây với hy vọng tạo nên một thay đổi nhỏ bé”, nhà hoạt động Glenn Reynolds cho hay.

“Tôi đã theo dõi các sự kiện liên quan tới Crimea trong một thời gian dài. Và những gì tôi có thể nói rằng tôi đồng ý với những gì đang xảy ra ở đây và đồng cảm với quan điểm của người dân Crimea”, luật sư Sylvia Demarest, một đại biểu của phái đoàn Mỹ, nói.

Người đứng đầu cơ quan lập pháp Crimea Vladimir Konstantinov nói: “Đừng ca tụng hay chỉ trích chúng tôi, các bạn chỉ cần giúp chúng tôi nói với mọi người về cuộc sống và cảm nhận của con người Crimea hiện tại là được. Điều này rất quan trọng vì chúng tôi không thể hiểu được vì sao chúng tôi lại bị áp lệnh trừng phạt”.

Crimea ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga năm 2014 sau một cuộc trưng cầu ý dân. Từ đó tới nay, phương Tây và Kiev luôn phủ nhận sự việc này và ban hành lệnh trừng phạt lên Crimea như động thái đáp trả. Phía Nga khẳng định vấn đề Crimea đã được giải quyết xong xuôi.

Ngoài Mỹ, có nhiều phái đoàn nước ngoài cũng đã tới thăm Crimea thời gian gần đây như phái đoàn đến từ các nước Nhật Bản, Na Uy, cộng hòa Séc, Đức.

Đức Hoàng

Tổng hợp