1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Pakistan nói dự án Trung Quốc hứa cấp vốn vẫn "nằm trên giấy"

Thành Đạt

(Dân trí) - Pakistan cho biết Trung Quốc chưa cấp vốn cho bất kỳ dự án hạ tầng nào trong khuôn khổ sáng kiến hành lang kinh tế chung giữa hai nước.

Pakistan nói dự án Trung Quốc hứa cấp vốn vẫn nằm trên giấy - 1

Cảng Gwadar ở Pakistan (Ảnh: Reuters)

ANI ngày 16/2 đưa tin, tại cuộc họp của Ủy ban Thượng viện Đặc biệt về các dự án thuộc Sáng kiến Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), Thượng nghị sĩ Sikandar Mandhro, người phụ trách kế hoạch giao thông của Bộ Kế hoạch Pakistan, cho biết do thiếu nguồn vốn của CPEC nên một số dự án cơ sở hạ tầng đang được thực hiện nhờ các quỹ phát triển của chính phủ liên bang.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Kabir Ahmad Shahi nói rằng Sáng kiến CPEC mới chỉ được triển khai trên giấy. Dự án sân bay Quốc tế New Gwadar vẫn đang lộn xộn, trong khi các dự án thuộc Đại dự án Thành phố thông minh Gwadar thậm chí còn chưa bắt đầu triển khai.

Năm 2015, Trung Quốc thông báo khởi động một chương trình kinh tế tại Pakistan trị giá 45 tỷ USD. Trong khuôn khổ CPEC, Bắc Kinh đặt mục tiêu mở rộng ảnh hưởng tại Pakistan cũng như với toàn bộ khu vực Trung Á và Nam Á để cạnh tranh với vai trò của Mỹ và Ấn Độ.

CPEC dự kiến sẽ nối liền cảng Gwada ở Balochistan, Pakistan với khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. CPEC cũng bao gồm nhiều dự án xây dựng đường cao tốc, đường sắt và đường ống dẫn dầu để tăng cường kết nối giữa Trung Quốc với khu vực Trung Đông.

Dự kiến được hoàn tất trước năm 2030, CPEC sẽ mở cho Trung Quốc một tuyến đường thương mại quan trọng tới Trung Đông và châu Phi. CPEC được ca ngợi là dự án điển hình của Sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, trong đó đặt mục tiêu rót vốn và phát triển các liên kết về cơ sở hạ tầng tại hơn 80 quốc gia trên thế giới. 

Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về tác động tiêu cực của Sáng kiến CPEC đối với Pakistan, bao gồm nguy cơ bẫy nợ. Theo số liệu năm 2018, Pakistan gánh khoản nợ tương đương 70% GDP, trong đó một nửa là nợ Trung Quốc.