Pakistan, Ấn Độ bàn về đường ống dẫn khí
Bộ trưởng Xăng dầu và Khí thiên nhiên Ấn Độ và người đồng nhiệm Pakistan bắt đầu cuộc hội đàm kéo dài hai ngày tại Islamabad về đường ống dẫn khí dài 2.800 km từ Iran tới hai nước, hôm qua.
Dự kiến, các quan chức không chỉ bàn về đường ống trị giá 4 tỷ USD mà còn một đường ống dẫn khí từ Turkmenistan qua Afghanistan. Dự án này bị ngưng trệ từ lâu do tình trạng bất ổn tại đất nước Trung Á.
"Nhu cầu năng lượng ở Ấn Độ lớn tới mức chúng tôi sẵn sàng nhận dù nó ở bất kỳ đâu", Bộ trưởng Xăng dầu và Khí thiên nhiên Ấn Độ Mani Shankar Aiyar nói với truyền hình Pakistan Geo.
Đề xuất về đường ống 4 tỷ USD được Iran đưa ra từ năm 1996 nhưng chưa bao giờ được bàn đến vì Ấn Độ lo ngại về an ninh của đoạn đường ống tại Pakistan. Tuy nhiên, căng thẳng giữa New Delhi và Islamabad đã tạm lắng trong 18 tháng qua. Hai chính phủ Nam Á nhất trí cùng xây dựng tuyến đường ống, bất chấp sự phản đối từ Washington.
Tại hội nghị, ông Aiyar khẳng định với đối tác Pakistan rằng Ấn Độ không chịu sức ép từ phía Mỹ phải bỏ dự án đường ống dẫn khí từ Iran. Về phần mình, người đồng nhiệm Pakistan Amanullah Khan Jadoon sẽ áp dụng mọi biện pháp an ninh thích hợp để việc chuyển khí tới nước láng giềng diễn ra trôi chảy.
Ấn Độ muốn nhập khẩu khí đốt để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu ngày một tăng của nền kinh tế phát triển nhanh. Pakistan sẽ nhận phí cho đường ống chạy qua lãnh thổ của mình tới nước láng giềng. Đường ống dẫn khí sẽ là dự án hợp tác kinh tế lớn nhất từ trước tới nay giữa Ấn Độ và Pakistan.
Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice tỏ ý lo ngại về chuyện Ấn Độ nhập khẩu khí từ Iran. Bà cho rằng New Delhi nên tìm các nguồn năng lượng thay thế. Mỹ không có quan hệ ngoại giao với Iran và muốn gây sức ép quốc tế với Tehran về chương trình hạt nhân.
Iran ước tính đường ống dẫn dầu giữa 3 nước sẽ tiết kiệm cho Ấn Độ khoảng 300 triệu USD/năm về chi phí nhiên liệu. Pakistan thì kiếm được 600 triệu USD/năm từ phí cho khí đi qua lãnh thổ.
Theo Nguyễn Hạnh
Vnexpress/AP