Ông Trump và tinh thần "nước Mỹ trên hết" đến "nước Mỹ ở mọi nơi"
(Dân trí) - Ngay đầu nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có hàng loạt tuyên bố thể hiện quan điểm quyết liệt mới mẻ, khác với tinh thần "nước Mỹ trên hết" trước đây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã muốn sáp nhập Canada, mua Greenland, kiểm soát kênh đào Panama và tiếp quản Dải Gaza (Ảnh: Reuters).
Khi nói về chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, "nước Mỹ trên hết", "chính sách cô lập" có lẽ là các cụm từ được nhắc đến nhiều nhất. Tuy vậy, khi bước vào Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai, dường như suy nghĩ của ông Trump đã có sự thay đổi.
Từ Canada tới kênh đào Panama, từ Greenland tới dải Gaza, ông Trump đã đưa ra bản danh sách lãnh thổ mà ông mong muốn nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ. Ban đầu, giới quan sát chỉ xem đây là lời nói đùa, tuy nhiên chúng dường như ngày càng được coi là nghiêm túc.
"Nước Mỹ ở mọi nơi"
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đẩy mạnh đối đầu với Trung Quốc và gây áp lực mạnh mẽ lên Iran - tiêu biểu là vụ ám sát tướng Qasem Soleimani.
Tuy nhiên, từ sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, các tuyên bố của ông Trump ngày càng có xu hướng quyết liệt, thể hiện tham vọng mở rộng nước Mỹ "về mọi hướng" rõ nét hơn.
Ông nhiều lần đề cập đến khả năng sáp nhập Canada là bang thứ 51, thậm chí gọi Thủ tướng Canada Justin Trudeau là "thống đốc". Ông cũng đe dọa giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama và nêu ý tưởng mua lại Greenland từ Đan Mạch.
Mới đây nhất, ông chủ Nhà Trắng đề xuất di dời 1,8 triệu người Palestine khỏi dải Gaza, giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này và đầu tư các dự án phát triển.
Theo các chuyên gia, các vùng đất trên hoặc chỉ có dân cư bản địa rải rác và có nhiều khu vực có thể định cư hoặc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng; hoặc, trong trường hợp của kênh đào Panama, là nơi từng bị Mỹ kiểm soát.
Ngoài thỏa mãn tinh thần mở rộng, các vùng lãnh thổ mà ông Trump nhắm đến cũng đem lại những lợi ích cụ thể về chiến lược, an ninh và kinh tế với nước Mỹ. Greenland và Panama đều có vị trí chiến lược, cả về quân sự lẫn án ngữ các tuyến hàng hải quan trọng.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 7/2 tuyên bố Mỹ mong muốn biến nước này thành bang thứ 51 vì nguồn tài nguyên mà nước này đang sở hữu, theo Guardian.
Cũng có những quan điểm cho rằng các tuyên bố của ông Trump chỉ là con bài đàm phán. Panama đã miễn phí cho tàu chiến Mỹ đi qua kênh đào và rút khỏi sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, Canada cũng có một số nhượng bộ để đổi lấy việc ông Trump tạm hoãn áp thuế 25% lên các sản phẩm nhập khẩu từ Canada như đe dọa.
Khó có thể đánh giá chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai chuyển dịch hẳn về hướng "mở rộng". Tính chất "nước Mỹ trên hết" vẫn thể hiện rõ ràng trong chính sách của ông Trump.
Ông Trump nhanh chóng khởi động quá trình rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông cũng giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và đóng băng hầu hết khoản viện trợ nước ngoài mà tổ chức này đang quản lý.
Ông Trump cũng lên kế hoạch áp thuế lên các sản phẩm nhập khẩu của nhiều quốc gia - đúng với tinh thần bảo hộ thương mại mà ông đã thúc đẩy trong nhiều năm qua. Trong khi đó, tại châu Âu, Mỹ cắt giảm viện trợ với Ukraine với mong muốn Kiev phải thỏa hiệp.

Câu hỏi về sự ủng hộ
Chính sách "nước Mỹ ở mọi nơi" dường như cũng là sự mở rộng của chính sách đối nội mà ông Trump đang áp dụng. Từ khi nhậm chức, chiến lược của ông Trump và phe Cộng hòa dường như là ban hành hàng loạt chính sách - gồm cả những vấn đề gây tranh cãi - trong những ngày đầu tiên. Từ nhập cư đến khí hậu, từ văn hóa đến bộ máy, chính quyền Trump 2.0 dường như không lảng tránh chủ đề nào.
Chưa rõ các cử tri ủng hộ tới mức độ nào, kể cả với Greenland, Canada và khu vực kênh đào Panama.
Theo khảo sát của Reuters/Ipsos ngay sau khi ông Trump nhậm chức, chỉ có 16% số người Mỹ được hỏi ủng hộ ý tưởng gây áp lực buộc Đan Mạch bán Greenland. Khoảng 29% ủng hộ kiểm soát kênh đào Panama.
Chỉ 21% nghĩ rằng Mỹ có quyền mở rộng lãnh thổ tại Tây Bán Cầu. Trong đó, chỉ có 9% cho rằng Mỹ có thể làm điều này bằng quân sự. Tỷ lệ này trong phe Cộng hòa cũng chỉ là 15%.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta bầu cho chính sách "nước Mỹ trên hết". Chúng ta không có lý do gì phải xem xét một cuộc chiếm đóng khác - vốn sẽ tiêu tốn nguồn lực và làm đổ máu binh sĩ của chúng ta", Thượng nghị sĩ Rand Paul, một đồng minh của ông Trump, viết trên mạng xã hội sau khi ông Trump trình bày kế hoạch với Gaza.
Tuy nhiên, một bộ phận phe Cộng hòa đã lên tiếng ủng hộ ông Trump - đặc biệt là các nhóm "cánh hữu mới" có quan điểm trí thức bảo thủ và liên hệ với thung lũng Silicon. Một số nhà lý luận tin rằng nếu mua Greenland, nước Mỹ sẽ khơi dậy trở lại tinh thần mở rộng biên giới, thứ đã thúc đẩy nước Mỹ trong những thế kỷ trước, theo Politico.