Ông Trump tung chiến thuật nào buộc ông Putin đàm phán?
(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đưa ra các biện pháp để gây sức ép với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm giải quyết xung đột Ukraine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp năm 2018 (Ảnh: Getty).
Tại Hội nghị An ninh Munich hôm 15/2, ông Keith Kellogg, đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Nga, đã tiết lộ chiến thuật của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm gây sức ép với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng các lệnh trừng phạt, nhượng bộ lãnh thổ và cam kết hòa bình.
Ông Kellogg cho biết trong quá trình đàm phán, Mỹ có thể yêu cầu Nga từ bỏ một số lập trường về lãnh thổ. Nga hiện kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine, tuyên bố sáp nhập 4 khu vực vào năm 2022 và bán đảo Crimea vào năm 2014.
"Với tôi, phải có những yêu cầu như nhượng bộ lãnh thổ", ông Kellogg cho biết khi được hỏi về những nhượng bộ mà Nga nên thực hiện.
Ông cũng cho rằng, cần có cam kết từ Nga về việc kiềm chế sử dụng vũ lực trong tương lai.
Đặc phái viên Mỹ cũng lưu ý rằng Washington sẽ nỗ lực cắt đứt liên minh của Nga với Triều Tiên, Iran và Trung Quốc. Theo ông, các liên minh này không tồn tại vào 4 năm trước trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump.
Theo quan chức Mỹ, việc thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Nga có thể ảnh hưởng đáng kể đến hành động của Moscow.
"Điều gì thúc đẩy Nga? Đây thực sự là một quốc gia dầu mỏ, 70% số tiền họ nhận được để hỗ trợ cho cuộc chiến này đến từ xăng, dầu và khí đốt. Hầu hết số tiền đó đi qua đội tàu bí mật và 70% đội tàu này đi qua vùng Baltic", ông Kellogg cho biết.
"Chúng tôi thực sự có thể siết lệnh trừng phạt, đặc biệt là với hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu. Nó sẽ gây nên một tác động rất lớn để tạo ra điều gì đó", ông Kellogg trả lời phỏng vấn New York Post.
Ông nhận định, ở thời điểm hiện tại, mức độ trừng phạt đối với Nga đang ở mức 6 trên thang 10, trong khi việc thực thi trừng phạt chỉ ở mức 3. Ông Kellogg nhấn mạnh các lệnh trừng phạt có thể "phá vỡ xương sống kinh tế" của Nga và Mỹ từng áp dụng chiến thuật tương tự trước đây, đặc biệt là với Iran.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (còn được gọi là Nhóm Ramstein) tại Brussels, Bỉ hôm 12/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết giá năng lượng thấp hơn kết hợp với các lệnh trừng phạt năng lượng hiệu quả hơn sẽ đưa Nga vào bàn đàm phán để giải quyết cuộc chiến ở Ukraine.
Báo Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời Phó Tổng thống Mỹ JD Vance trong một cuộc phỏng vấn nói rằng, Washington sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow và có khả năng sẽ thực hiện hành động quân sự nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không đồng tình với một thỏa thuận hòa bình nhằm đảm bảo nền độc lập lâu dài cho Ukraine.
Theo WSJ, ông Vance cho biết phương án gửi quân đội Mỹ đến Ukraine nếu Moscow không đàm phán một cách thiện chí vẫn "được đưa ra thảo luận".
"Chúng tôi có những công cụ kinh tế và tất nhiên có cả những công cụ quân sự để tạo đòn bẩy mà Mỹ có thể sử dụng đối với Nga", Phó Tổng thống Mỹ cảnh báo.
Phát biểu với Fox News vào ngày 1/2, Đặc phái viên Kellogg tuyên bố Tổng thống Trump có một "kế hoạch đáng tin cậy" để chấm dứt chiến tranh, bao gồm "gây sức ép không chỉ với Moscow mà còn với Kiev" trong khi đưa ra các sáng kiến tích cực cho cả hai bên.
Ông Kellogg xác nhận Tổng thống Trump có kế hoạch sử dụng đòn bẩy đối với cả Nga và Ukraine để giúp chấm dứt xung đột và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Theo đó, chính quyền Trump đang cân nhắc nhiều chiến lược khác nhau để tác động đến cả hai bên trong cuộc xung đột.
Đội ngũ của ông Trump cũng nêu rõ quan điểm, cả Nga và Ukraine cần đưa ra nhượng bộ để chấm dứt xung đột.