1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ông Trump tính rút Mỹ khỏi hiệp ước quốc phòng 60 năm với Nhật Bản

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump được cho là đang cân nhắc rút Mỹ khỏi hiệp ước quốc phòng kéo dài 6 thập niên với Nhật Bản vì các điều khoản mà ông cho là bất công với Washington.

Ông Trump tính rút Mỹ khỏi hiệp ước quốc phòng 60 năm với Nhật Bản - 1

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Abe Shinzo gặp nhau tại Nhà Trắng (Ảnh: Getty)

Hãng tin Bloomberg ngày 25/6 dẫn 3 nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Donald Trump gần đây đã chia sẻ với các thân tín về kế hoạch rút Mỹ khỏi hiệp ước quốc phòng lâu đời với Nhật Bản. Hiệp ước này được ký từ cách đây hơn 60 năm và thiết lập nền tảng cho mối quan hệ liên minh giữa Mỹ và Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Theo các nguồn tin, Tổng thống Trump coi hiệp ước này là không công bằng vì chỉ cam kết Mỹ viện trợ cho Nhật Bản trong trường hợp Nhật Bản bị tấn công, chứ không bắt buộc lực lượng quân sự Nhật Bản phải tới bảo vệ Mỹ.

Tuy vậy, Tổng thống Trump hiện vẫn chưa tiến hành bất kỳ động thái nào để rút Mỹ khỏi hiệp ước, trong khi các quan chức của chính quyền Mỹ nhận định việc rút khỏi hiệp ước rất khó xảy ra.

Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước quốc phòng với Nhật Bản có thể gây nguy hiểm cho liên minh hậu chiến tranh, vốn được hình thành để bảo đảm an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đặt nền tảng cho sự phát triển về kinh tế của khu vực.

Ngoài ra, động thái rút khỏi hiệp ước của Mỹ cũng dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực vì Nhật Bản cần phải tìm cách khác để phòng vệ trước các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản đồng ý theo đuổi hiến pháp hòa bình, từ bỏ quyền phát động chiến tranh.

Tổng thống Trump sẽ có chuyến thăm thứ hai tới Nhật Bản trong vài ngày tới để dự hội nghị thượng đỉnh G20. Ông dự kiến sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, người có mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Trump.

Hiện luật pháp Mỹ vẫn chưa có quy định rõ ràng về việc tổng thống có thể rút Mỹ khỏi các hiệp ước đã phê chuẩn mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội hay không. Cựu Tổng thống George W. Bush từng rút Mỹ khỏi Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo vào năm 2002 khi chưa có sự đồng ý của Quốc hội.

Hiệp ước quốc phòng của Mỹ với Nhật Bản được ký lần đầu tiên vào năm 1951 cùng với Hiệp ước San Francisco chính thức kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Hiệp ước được sửa đổi vào năm 1960, trao cho Mỹ quyền đặt lực lượng quân sự ở Nhật Bản để đổi lấy cam kết rằng Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp quốc gia châu Á bị tấn công.

Hiện chưa rõ các lực lượng quân sự của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước quốc phòng với Nhật Bản. Ông Trump nhiều lần phàn nàn rằng các đồng minh của Mỹ, nơi Washington đặt các căn cứ quân sự, không chi trả đủ cho những gì mà ông coi là đặc quyền.

Theo đó, ông Trump muốn đàm phán lại một hiệp ước mới hoặc hiệp ước sửa đổi nhằm buộc Nhật Bản hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản.

Hiện có khoảng 54.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản và lực lượng này cho phép Mỹ dễ dàng phô diễn sức mạnh ra toàn khu vực Thái Bình Dương. Các chuyên gia lo ngại rằng nếu các lực lượng quân sự Mỹ rút hoàn toàn khỏi Nhật Bản, đây sẽ được xem là “chiến thắng chiến lược” dành cho các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc hay Triều Tiên.

Thành Đạt

Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm