1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản “trải thảm đỏ” đón ông Trump công du lần đầu tiên trong triều đại mới

(Dân trí) - Nhân dịp ông Donald Trump sẽ trở thành lãnh đạo thế giới đầu tiên thăm Nhật Bản trong triều đại mới - Lệnh Hòa, Tokyo đã chuẩn bị màn đón tiếp trang trọng đối với Tổng thống Mỹ.

Nhật Bản “trải thảm đỏ” đón ông Trump công du lần đầu tiên trong triều đại mới - 1

Ông Abe là một trong những lãnh đạo thế giới thân thiết nhất với ông Trump (Ảnh: Reuters)

Khi ông Trump đặt chân tới Tokyo vào ngày 25/5, ông sẽ là lãnh đạo thế giới đầu tiên gặp mặt tân Nhật Hoàng Naruhito, người vừa lên ngôi hồi đầu tháng và mở ra triều đại mới, Lệnh Hòa.

Với ý nghĩa quan trọng và bản thân Mỹ cũng là đồng minh thân thiết hàng đầu, Nhật Bản đã lên kế hoạch đón tiếp chu đáo, nồng nhiệt tới ông chủ Nhà Trắng.

Về cơ bản, ông Trump sẽ có một lịch trình khá bận rộn bao gồm thời gian chơi golf riêng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trao tặng “cúp Trump” cho nhà vô địch một giải đấu Sumo. Ông Trump cũng sẽ đi thăm tàu sân bay trực thăng lớp Izumo, khí tài Nhật Bản đang cải tiến để có thể mang được máy bay chiến đấu cất cánh thẳng đứng F-35B. Một bữa tối tại cửa hàng nướng, nơi sẽ phục vụ món bò bít-tết ưa thích của ông Trump, cũng được đưa vào lịch trình.

Trong các lãnh đạo thế giới, ông Abe dường như là người thân thiết nhất với ông Trump. Ông là lãnh đạo đầu tiên gặp ông Trump sau khi thắng cử năm 2016. Từ đó tới nay, hai ông đã điện đàm với nhau ít nhất 20 lần, chưa kể các cuộc gặp mặt đối mặt khác.

Họ cùng có niềm đam mê với golf và ông Abe từng tặng ông Trump một cây gậy đánh golf mạ vàng trị giá 3.755 USD. Chính Thủ tướng Nhật Bản cũng là người đã đề cử ông Trump nhận giải Nobel Hòa bình.

Những bất đồng

Nhật Bản “trải thảm đỏ” đón ông Trump công du lần đầu tiên trong triều đại mới - 2

Ông Trump và ông Abe cho cá ăn trong chuyến thăm hồi năm 2017 của ông Trump tới Nhật Bản (Ảnh: Time)

Tuy nhiên, giữa 2 lãnh đạo cũng có những bất đồng nhất định về một số vấn đề. Ông Abe là một trong những lãnh đạo châu Á có quan điểm cứng rắn nhất về Triều Tiên, và ủng hộ đường lối áp lực tối đa của ông Trump. Nhưng kể từ khi Tổng thống Mỹ chọn con đường ngoại giao để xử lý vấn đề Triều Tiên, chính giới Nhật Bản nảy sinh những mối quan ngại do đường hướng có sự mâu thuẫn. Ông Abe thậm chí đang cân nhắc tới việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un để giải quyết những vấn đề của riêng Nhật Bản.

Trong lĩnh vực thương mại, ông Trump dường như cũng tỏ ra rất cứng rắn với Nhật Bản hơn những gì Tokyo kỳ vọng từ một đồng minh thân thiết. Ông Trump nhiều lần cảnh báo sẽ áp thuế lên mặt hàng phụ tùng và xe hơi Nhật Bản nếu Tokyo không mở cửa cho nông sản Mỹ xâm nhập thị trường.

Chính vì những vấn đề có tính nhạy cảm, nên theo Times, lịch trình của 2 lãnh đạo đã được sắp xếp để làm giảm thiểu tối đa mọi khả năng có những vấn đề có thể phát sinh và làm hỏng chương trình nghị sự đã được thiết kế nhằm giúp hình ảnh của các lãnh đạo tốt hơn trong mắt cử tri.

Nhật Bản “trải thảm đỏ” đón ông Trump công du lần đầu tiên trong triều đại mới - 3

Ông Trump và ông Abe có niềm đam mê với golf (Ảnh: Twitter)

“Đây có thể là chuyến công du phi chính sách. Người Nhật hiểu rõ ông Trump là nhân vật khó đoán vì vậy họ dường như đã lên sẵn khung cuộc gặp”, ông Daniel Sneider, chuyên gia từ Đại học Stanford, Mỹ, nhận định. Ông Sneider cho rằng chuyến công du này có thể sẽ không có nhiều các cuộc bàn bạc về chính sách vì 2 bên vẫn đang có những bất đồng với nhau về mặt quan điểm.

Mặt khác, không một quốc gia nào vội vàng trong việc giải quyết các bất đồng nói trên trong bối cảnh Mỹ đang hối hả “tung đòn” với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại và đã tạm hoãn đánh thuế Nhật Bản trong 180 ngày. Trong khi đó, đảng của ông Abe đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tháng 7 và họ sẽ không muốn bất cứ nhượng bộ đơn phương nào về thương mại, chi phí quốc phòng vì có thể ảnh hưởng tới kết quả sau cùng.

Thêm vào đó, bằng lịch trình này, Nhật Bản có thể khéo léo gạt qua những vấn đề 2 bên bất đồng, thêm vào đó “nhấn” vào lĩnh vực mà 2 bên có điểm chung và vẫn đồng thuận với nhau. Chuyến thăm tàu sân bay lớp Izumo là một ví dụ. Việc Nhật Bản tuyên bố tiếp tục mua máy bay F-35 của Mỹ được xem là thông điệp hợp lý trong bối cảnh máy bay hiện đại nhất của Trung Quốc lúc này J-20, được cho là có những điểm tương đồng với F-22, “chim sắt” tiền nhiệm của F-35.

Trên thực tế, tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, Nhật Bản là một trong những đồng minh đắc lực nhất của Mỹ trong nỗ lực "kiềm tỏa" Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng về mặt chính trị và cả quân sự. 

Ngoài ra, một quan chức Mỹ nói với Times rằng, một chuyến thăm hữu nghị, không bị gián đoạn bởi những vấn đề khiến 2 bên chia rẽ, có thể là thông điệp gửi tới các đồng minh của Mỹ như Đức và Candana rằng “cùng tồn tại một cách hòa bình” giữa những mâu thuẫn là điều có thể xảy ra.

Chính vì vậy, Times cho rằng, trong chuyến công du lần này, “bầu không khí hòa bình” có thể sẽ là mục tiêu quan trọng nhất mà 2 bên hướng tới.

Đức Hoàng

Tổng hợp