Ông Trump tính “cấm cửa” thêm các công ty Trung Quốc sau TikTok
(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump đang xem xét bổ sung thêm các công ty Trung Quốc vào danh sách cấm sau lệnh cấm đối với ứng dụng TikTok.
Chia sẻ với các phóng viên trên chuyên cơ Không Lực Một ngày 17/8, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump tập trung đặc biệt vào các công ty Trung Quốc có hành vi thu thập dữ liệu cá nhân và có thể gây ra nguy cơ an ninh quốc gia đối với Mỹ.
“Hầu hết những điều Tổng thống Trump xem xét là cấm các ứng dụng của Trung Quốc có thể thu thập thông tin cá nhân và gây ra nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia”, ông Meadows cho biết.
Tổng thống Trump ngày 6/8 đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm cấm mọi giao dịch của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào tại Mỹ với ByteDance - chủ sở hữu của ứng dụng video TikTok và Tencent - chủ sở hữu của ứng dụng nhắn tin WeChat.
Ông Trump cáo buộc TikTok được sử dụng trong các chiến dịch đưa thông tin sai lệch để mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Ông cũng cho rằng WeChat “tự động thu thập thông tin của người dùng” và động thái này cho phép “Trung Quốc tiếp cận thông tin cá nhân của người Mỹ”.
Ngày 14/8, Tổng thống Trump ký lệnh yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi hoạt động của TikTok tại Mỹ trong 90 ngày với lý do an ninh.
Động thái của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm loại bỏ các ứng dụng mà Washington cho là “không đáng tin cậy” khỏi mạng lưới số của Mỹ. Mỹ cũng cáo buộc TikTok và WeChat là “các mối đe dọa to lớn”.
Tổng thống Trump từng chỉ trích mạnh mẽ các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc vì lo ngại các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Theo một đạo luật được Trung Quốc thông qua vào năm 2017, các công ty của nước này phải có nghĩa vụ hỗ trợ và hợp tác với mạng lưới tình báo quốc gia Trung Quốc.
Ngày 15/8, ông chủ Nhà Trắng cho biết đang xem xét việc có nên ban lệnh cấm với Alibaba, một doanh nghiệp Trung Quốc và là một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới, ở thị trường Mỹ hay không. Alibaba hiện vận hành các hệ thống thương mại điện tử ở hầu khắp Trung Quốc và thị trường Đông Nam Á.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nhắc tới Alibaba khi ông kêu gọi các công ty Mỹ loại bỏ những công nghệ “thiếu tin cậy” thuộc sở hữu của Trung Quốc ra khỏi mạng lưới số của các công ty Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian ngày 17/8 đã lên tiếng chỉ trích các chính sách của Mỹ đối với ứng dụng TikTok.
Ông Zhao cho rằng “tự do và an ninh chỉ là cái cớ để một số chính trị gia Mỹ theo đuổi chính sách ngoại giao pháo hạm”, ngụ ý tới những con tàu được các cường quốc phương Tây sử dụng trong thế kỷ 19.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định TikTok đã thực hiện theo mọi yêu cầu của Mỹ, bao gồm việc chỉ tuyển người Mỹ vào các vị trí điều hành cấp cao, đặt máy chủ ở Mỹ và công khai mã nguồn.
“Tuy nhiên ứng dụng này vẫn không tránh khỏi việc bị trộm cắp thông qua thủ đoạn của một số cá nhân tại Mỹ dựa trên lý luận của kẻ cướp và tư lợi chính trị”, ông Zhao nói tại cuộc họp báo thường kỳ.