Ông Trump ra lệnh giải mật vụ ám sát anh em nhà Kennedy
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh giải mật tài liệu chính phủ về các vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy, Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy và nhà vận động dân quyền Martin Luther King.
Theo truyền thông Mỹ, sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump chỉ đạo Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia và Bộ trưởng Tư pháp trình bày kế hoạch trong vòng 15 ngày để "công bố đầy đủ hồ sơ liên quan đến vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy".
Sắc lệnh nêu rõ: "Hiện giờ, tôi xác định rằng việc giữ kín thông tin từ các hồ sơ liên quan đến vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy là không phù hợp với lợi ích của công chúng. Việc công bố này đã bị trì hoãn quá lâu".
Sắc lệnh cũng nói thêm: "Mặc dù không có đạo luật nào của quốc hội chỉ đạo việc tiết lộ thông tin liên quan đến vụ ám sát Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy và ông Martin Luther King, nhưng tôi xác định việc tiết lộ tất cả hồ sơ thuộc quyền sở hữu của chính quyền liên bang đến các vụ ám sát đó cũng vì lợi ích của công chúng".
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng cam kết sẽ giải mật toàn bộ tài liệu liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Ông tiếp tục nhắc lại cam kết này trong ngày nhậm chức 20/1.
Ở nhiệm kỳ đầu, ông cũng cam kết tương tự, nhưng cuối cùng một số tài liệu vẫn được giữ bí mật do lo ngại về an ninh, tình báo.
Tổng thống thứ 35 của Mỹ John F. Kennedy (JFK) bị ám sát vào trưa 22/11/1963 tại thành phố Dallas khi đang ngồi trên ô tô mui trần cùng Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy.
Đến nay, hơn 60 năm kể từ sau vụ ám sát, bí ẩn vẫn bao trùm dù hàng trăm nghìn tài liệu đã được giải mật.
Cựu lính thủy đánh bộ Lee Harvey Oswald bị buộc tội dùng súng bắn tỉa để đoạt mạng người đứng đầu chính phủ từ cửa sổ tầng 6 trong một tòa nhà gần đó. Tuy nhiên, người Mỹ không tin rằng, một mình Oswald có thể hạ sát Tổng thống.
Vài năm sau cái chết của Tổng thống Kennedy, em trai ông, Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy tiếp tục bị ám sát khi đang tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống.
Ông Robert F. Kennedy là một chính trị gia trẻ, thông minh, đầy nhiệt huyết và rất kiên định. Nhiều người thậm chí coi ông là nhân vật duy nhất trong chính trường Mỹ có khả năng đoàn kết mọi tầng lớp xã hội. Ông được các cộng đồng thiểu số Mỹ, bao gồm cả người nhập cư, người da màu đặc biệt yêu quý vì sự tận tâm và nỗ lực thúc đẩy các đạo luật bảo vệ dân quyền.
Trong khi đó, mục sư Martin Luther King, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hòa bình năm 1964, bị ám sát vào tháng 4/1968. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Mỹ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động.