1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Marco Rubio: Từ đối thủ của ông Trump tới Ngoại trưởng Mỹ

Bảo Châm

(Dân trí) - Ông Marco Rubio đã làm nên lịch sử khi là người Mỹ gốc Cuba đầu tiên giữ chức ngoại trưởng Mỹ.

Ông Marco Rubio: Từ đối thủ của ông Trump tới Ngoại trưởng Mỹ - 1

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AFP).

Ngày 20/1, Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa lãnh đạo xác nhận ông Marco Rubio trở thành Ngoại trưởng mới của Mỹ theo đề cử của Tổng thống Donald Trump.

Ông Rubio, 53 tuổi, làm nên lịch sử khi là người Mỹ gốc Cuba đầu tiên giữ chức vụ này.

Ông Marco Rubio, tốt nghiệp ngành Luật tại Đại học Luật Miami năm 1996. Khi còn là sinh viên luật, ông Rubio đã thực tập tại văn phòng của Đại biểu Quốc hội Mỹ Ileana Ros-Lehtinen và điều hành chiến dịch tranh cử tổng thống của Thượng nghị sĩ Bob Dole tại Miami-Dade, bang Florida, Mỹ.

Gốc gác của ông Rubio ở Miami rất sâu sắc. Cha mẹ ông từ Cuba đến Mỹ vào năm 1956. Cha ông làm nhân viên pha chế tại một khách sạn, mẹ ông làm giúp việc. Gia đình cuối cùng đã định cư tại West Miami và ông Rubio học tại trường Trung học South Miami Senior, nơi ông tham gia chơi bóng đá. Trước khi vào trường luật, ông đã nhận bằng cử nhân khoa học chính trị của Đại học Florida.

Sự nghiệp chính trị của ông Rubio bắt đầu với việc được bầu vào ủy ban thành phố West Miami. Năm 2000, ông được bầu vào Hạ viện Florida và là người Mỹ gốc Cuba đầu tiên giữ chức lãnh đạo Hạ viện Florida vào năm 2007. Năm 2011, ông được bầu vào Thượng viện Mỹ và giữ ghế này cho đến khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ.

Với tư cách là một thượng nghị sĩ, ông Rubio đã dành thời gian xây dựng uy tín về chính sách đối ngoại. 

Ông Rubio cũng vận động ủng hộ cho sự can thiệp quân sự của Mỹ nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và ủng hộ các dự luật viện trợ nhân đạo cho Haiti.

Năm 2012, ông Rubio ủng hộ ông Mitt Romney làm ứng cử viên của đảng Cộng hòa. Đến năm 2016, ông cũng tự mình ứng cử, cạnh tranh với tổng thống tương lai Donald Trump.

Tại một buổi vận động ở Dallas vào tháng 2/2016, ông Rubio đã dành khoảng 10 phút chỉ trích ông Trump, người nổi tiếng với việc gọi ông là "Marco nhỏ" trong suốt cuộc đua.

Cuối cùng, ông Rubio ủng hộ ông Trump làm ứng cử viên tổng thống năm 2016, và có vẻ như ông đã trở nên gần gũi hơn với ông Trump trong vài năm qua.

Trong suốt nhiệm kỳ đầu của chính quyền Trump, ông Rubio được đánh giá cao nhờ sức ảnh hưởng tại khu vực Mỹ Latinh và các lập trường chính sách đối ngoại được tính toán kỹ lưỡng. Trong bài viết trên báo New York Times, nhà báo nổi tiếng người Mỹ Peter Baker đã gọi ông Rubio là "một kiến trúc sư chính sách hàng đầu".

Chính sách của tân Ngoại trưởng

Ông Rubio nhậm chức trong bối cảnh chính quyền Trump mới phải đối mặt với một thế giới nhiều biến động hơn so với khi ông Trump lần đầu nhậm chức vào năm 2017.

Các cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn trong khi những đối thủ của Mỹ ngày càng trở nên cứng rắn và gắn kết hơn.

Trước đây, ông Rubio từng ủng hộ một chính sách đối ngoại mạnh mẽ và cứng rắn đối với các đối thủ địa chính trị của Mỹ, bao gồm Trung Quốc, Iran và Cuba.

Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, ông Rubio đã đồng bảo trợ một dự luật nhằm khiến tổng thống rút Mỹ khỏi NATO trở nên khó khăn hơn bằng cách yêu cầu 2/3 Thượng viện phê duyệt việc rút lui.

Trong các cuộc phỏng vấn trước đây, ông Rubio nói rằng Ukraine cần tập trung vào việc đàm phán hòa bình thay vì khôi phục lãnh thổ.

Ông từng bỏ phiếu phản đối gói viện trợ quân sự trị giá 95 tỷ USD cho Ukraine của cựu Tổng thống Joe Biden, mặc dù gói viện trợ này cuối cùng đã được thông qua vào tháng 4/2024.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chính quyền Trump 2.0