1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ông Trump phủ bóng Hội nghị an ninh Munich

Thanh Thành

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, cựu Tổng thống Donald Trump đã phủ bóng Hội nghị an ninh Munich giữa mối lo Washington xoay trục khỏi châu Âu và Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội ở lục địa này.

Ông Trump phủ bóng Hội nghị an ninh Munich - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP).

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, hiện là ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, đã không có mặt tại Hội nghị an ninh Munich lần thứ 60 bế mạc hôm 18/2 sau 3 ngày họp, nhưng tên ông dường như đã bao trùm hội nghị này, xuyên suốt các cuộc trò chuyện căng thẳng về Ukraine, Gaza và khả năng đảm bảo an ninh của chính châu Âu.

Hôm 16/2, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã nỗ lực trấn an những nước châu Âu đang lo lắng trước khả năng trở lại của ông Trump và sau tuyên bố của ông vào ngày 10/2 rằng sẽ "khuyến khích" Nga tấn công các thành viên NATO chưa đáp ứng các nghĩa vụ tài chính.

"Trong thời điểm bất ổn này, rõ ràng là Mỹ không thể rút lui. Nước Mỹ phải đứng vững vì dân chủ. Chúng ta phải đứng lên bảo vệ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đồng thời phải đứng về phía các đồng minh của mình", bà Harris nói.

Tuy nhiên, hôm 18/2, một bức tranh khác về tương lai lại được thượng nghị sĩ J.D. Vance của bang Ohio vẽ ra. Ông này đã nói rằng "tôi không thể nói thay cho ông Trump… nhưng tôi nghĩ rằng ông ấy nhất trí với những gì tôi sắp làm".

"Tôi không nghĩ chúng ta nên rút khỏi NATO và từ bỏ châu Âu. Nhưng vâng, tôi nghĩ rằng chúng ta nên xoay trục, Mỹ phải tập trung nhiều hơn vào Đông Á. Đó sẽ là tương lai của chính sách đối ngoại của chúng ta trong 40 năm tới và châu Âu phải nhận thức được thực tế đó", thượng nghị sĩ Vance phát biểu tại hội nghị ở Munich.

Trong bối cảnh đó, các quan chức Trung Quốc ít xuất hiện hơn tại Hội nghị an ninh Munich so với những năm trước. Tuy nhiên, một phái đoàn quy mô lớn của Trung Quốc đã làm việc bên lề tại Munich, tham gia vào các sự kiện riêng tư và công cộng giữa lúc châu Âu lo ngại khả năng Mỹ rút lui khỏi khu vực.

"Cho dù thế giới có thay đổi thế nào đi chăng nữa, Trung Quốc vẫn là một quốc gia lớn có trách nhiệm, sẽ giữ các nguyên tắc và chính sách chính của mình nhất quán và ổn định… Trong một thế giới hỗn loạn, Trung Quốc sẽ là một lực lượng cho sự ổn định", Ngoại trưởng Vương Nghị nói tại Munich hôm 17/2.

Trong một hoạt động ngoại giao sôi nổi, ông Vương Nghị đã gặp ít nhất 10 người đồng cấp, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, cùng một số nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Serbia Alexander Vucic.

Đằng sau cánh cửa đóng kín, các đại biểu Trung Quốc khác đã gặp gỡ và phát biểu cùng với các học giả và nghị sĩ châu Âu, những người đã bị Bắc Kinh trừng phạt, và trong một số trường hợp đã thảo luận về cách thức có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. 

Ngoài ra, mối quan hệ của Trung Quốc với Nga cũng được thảo luận nhiều tại hội nghị. "Trong các cuộc trò chuyện mà tôi đã tham gia, địa chính trị hoàn toàn được ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc là một phần trong đó, Nga là một phần trong đó… Tôi thấy rằng họ khá tinh tế trong cách nhìn nhận những quốc gia khác nhau", Giám đốc cạnh tranh EU Margrethe Vestager nói với các phóng viên bên lề sự kiện.

Bất chấp cuộc gặp của Ngoại trưởng Vương Nghị với người đồng cấp Ukraine Kuleba, trong đó ông Vương cam kết Trung Quốc sẽ không "bán vũ khí sát thương" cho bất kỳ bên nào trong cuộc chiến với Nga, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow đã được xem là một điểm nhấn trong suốt các cuộc thảo luận cuối tuần qua.

Một loạt quan chức châu Âu, trong đó có Chủ tịch ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, cảnh báo Trung Quốc đang theo dõi xem liệu phương Tây có còn thống nhất về vấn đề Ukraine hay không.

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm