1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ông Trump phát tín hiệu muốn làm trung gian hòa giải Nga - Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi các nỗ lực ngoại giao giữa Nga và Ukraine và gợi ý về việc muốn trở thành trung gian giúp 2 nước đàm phán hòa bình.

Ông Trump phát tín hiệu muốn làm trung gian hòa giải Nga - Ukraine - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Newsweek đưa tin, trong các bài viết đăng trên mạng xã hội Truth Social hôm 28/9, cựu Tổng thống Trump đề xuất trở thành người "bắc cầu" để các bên hướng tới mục tiêu hòa bình trong cuộc chiến Nga - Ukraine, vốn đã kéo dài hơn 7 tháng qua.

Lời kêu gọi của cựu Tổng thống Mỹ diễn ra trong bối cảnh 2 đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 nối từ Nga tới Đức thông qua biển Baltic gặp sự cố rò rỉ trong gần như cùng một thời điểm, ở các vị trí tương đối gần nhau.

Các nhà lãnh đạo một số quốc gia châu Âu đã nghi ngờ đây là hành vi phá hoại có chủ đích, trong khi giới chuyên gia cho rằng, các vụ rò rỉ nghiêm trọng này giống như các đường ống bị cài thuốc nổ. Nga cũng tuyên bố không phủ nhận kịch bản đây là vụ tấn công nhằm vào đường ống cấp khí đốt quan trọng cho châu Âu.

Trong bài đăng trên mạng xã hội, ông Trump cảnh báo vụ cả 2 đường ống bị rò rỉ có thể dẫn tới một cuộc chiến quy mô lớn giữa Nga và phương Tây. Ông kêu gọi ban lãnh đạo Mỹ nên duy trì sự bình tĩnh trước sự việc.

Ông cũng cho rằng chiến sự Nga và Ukraine lẽ ra không bao giờ nên xảy ra, đồng thời gợi ý về việc dẫn đầu một nỗ lực giúp các bên đàm phán hòa bình.

"Đừng khiến vấn đề trở nên tồi tệ với vụ việc đường ống bị nổ. Hãy có chiến lược thông minh và đàm phán ra một giải pháp ngay bây giờ. Cả 2 bên đều cần và muốn nó. Cả thế giới đang bị đe dọa. Tôi có nên dẫn đầu một phái đoàn (giúp đàm phán) chăng?", ông Trump viết.

Sau vụ việc 2 đường ống rò rỉ, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho biết, đây là vụ hỏng hóc chưa từng có tiền lệ và họ không thể ước tính thời điểm khôi phục hoạt động của công trình.

Dù cả 2 đường ống hiện đều không cấp khí đốt cho châu Âu, nhưng vụ việc có thể dập tắt hi vọng rằng châu lục này có thể nhận khí đốt từ Dòng chảy phương Bắc 1 trước mùa đông lạnh giá. Điều này có thể sẽ khiến cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu diễn biến tồi tệ hơn trong thời gian tới.

Kể từ khi Nga và Ukraine bùng phát giao tranh, ông Trump nhiều lần cảnh báo về những hậu quả tiềm tàng. Tuần trước, ông cảnh báo nguy cơ cuộc xung đột leo thang thành Thế chiến III, nhấn mạnh rằng cuộc chiến lẽ ra không bao giờ nên xảy ra.

Khi còn tại vị, ông Trump nhiều lần thúc đẩy 2 quốc gia đối thoại và giải quyết những khác biệt. Năm 2019, ông Trump từng nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng ông hy vọng ông Zelensky sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin để giải quyết các vấn đề.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm