1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Trump muốn ký thỏa thuận hạt nhân lớn với Nga và Trung Quốc

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cân nhắc tới việc ký kết thỏa thuận hạt nhân với 2 đối thủ Nga và Trung Quốc, động thái mà ông có thể xem như thành tựu về mặt chính sách đối ngoại mang dấu ấn trong nhiệm kỳ đầu. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng nỗ lực này có thể có gây ra tác dụng ngược.

Ông Trump muốn ký thỏa thuận hạt nhân lớn với Nga và Trung Quốc - 1

(Ảnh minh họa: DHK)

CNN đưa tin, chính quyền Tổng thống Trump đã cân nhắc về việc ký kết một thỏa thuận hạt nhân lớn với Nga và Trung Quốc. Đây sẽ là cơ hội “ghi điểm” của ông Trump với một thành tựu đối ngoại quan trọng.

Tổng thống Mỹ từng đề cập tới vấn đề này trong Thông điệp Liên bang hồi đầu năm: “Có lẽ, chúng ta có thể thương lượng một thỏa thuận khác, thêm Trung Quốc và các nước khác vào, hoặc chúng ta không thể làm vậy. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng sẽ chi nhiều hơn và cải tiến vượt trội hơn mọi đối thủ”.

Nhà Trắng được cho là đang trao đổi nhằm đưa ra những lựa chọn cho Tổng thống Trump để theo đuổi thỏa thuận nói trên, các nguồn tin nói với CNN. Hiệp ước mới được cho là sẽ thay thế New START, thỏa thuận Mỹ đã ký với Nga và sẽ hết hạn năm 2021.

“Tổng thống Trump đã nói rõ rằng việc kiểm soát vũ khí nên bao gồm cả Nga và Trung Quốc và nên kiểm soát mọi vũ khí, mọi đầu đạn và mọi tên lửa. Chúng tôi có mục tiêu là đề xuất cho Tổng thống các lựa chọn càng nhanh càng tốt. Đây là nỗ lực mà chưa có một chính quyền nào từng thử thực hiện”, một quan chức Nhà Trắng cấp cao cho hay.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự tỏ ra hoài nghi với thông tin trên. Họ cho rằng mục tiêu chủ yếu của Mỹ có thể là tìm cách để rút Washington khỏi hiệp ước hạt nhân New START vì họ cho rằng nó đã không còn hợp thời và có nhiều hạn chế.

“Lý do duy nhất khi đưa Trung Quốc vào đây là họ không có ý định muốn kéo dài hiệp ước New START”, Alexandra Bell, chuyên gia tại trung tâm kiểm soát và không phổ biến vũ khí (Mỹ), cho biết.

Chuyên gia Bell và các chuyên gia kiểm soát vũ khí khác lo ngại rằng nếu quá trình đàm phán tái ký New START diễn ra quá lâu, 2 cường quốc hạt nhân Nga và Mỹ có thể đối diện với kịch bản chạy đua vũ trang.

Các quan chức Mỹ cho biết mục tiêu của họ là thay đổi hiệp ước mà họ coi là lỗi thời phù hợp với hoàn cảnh mới và tăng cường an ninh toàn cầu.

“Nếu chúng ta có được thỏa thuận đúng đắn, nếu chúng ta chắc chắn nó phù hợp với thời điểm năm 2021 và những năm sau đó, Tổng thống Trump đã nói rõ rằng nếu chúng ta có thể đạt được thoải thuận kiểm soát vũ khí tốt, chúng ta phải đạt được nó”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trước Quốc hội hồi đầu tháng.

Chính quyền ông Trump chưa đưa ra thời hạn cụ thể để thương lượng hay đưa vấn đề này ra bàn bạc với Trung Quốc và Nga. Ông Pompeo nói với các nghị sĩ rằng Mỹ đang giai đoạn khởi đầu các cuộc đối thoại về hiệp ước kiểm soát vũ khí mới.

Những thách thức

Tham vọng của ông Trump là mọi vũ khí phải được kiểm soát và sau đó loại bỏ đi càng nhiều vũ khí càng tốt, một quan chức nói với CNN. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng khi chỉ còn lại gần 2 năm trong nhiệm kỳ, rất khó để ông Trump có thể đàm phán thành công. Ngay cả phía Nga cũng thừa nhận rằng quá trình bàn bạc sẽ không dễ dàng.

Giới chuyên gia quan ngại khi hạn chót ngày càng gần thì việc Mỹ vẫn chưa đưa ra một phương án cụ thể có thể khiến số phận của hiệp ước rơi vào tình cảnh rủi ro.

Thêm vào đó, giới quan sát cũng hoài nghi sự sẵn lòng của Trung Quốc trong việc tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân. Bắc Kinh cũng từng tuyên bố họ sẽ không ký hiệp ước kiểm soát với những nước có kho hạt nhân lớn hơn. Thực tế, kho khí tài hạt nhân của họ chỉ bằng khoảng chưa đến 1/10 kho của Nga và Mỹ và họ dường như đang không ở cùng 1 cuộc chơi với Moscow và Washington.

Vì vậy, giới chuyên gia nhận định rằng việc đưa Trung Quốc vào hiệp ước kiểm soát vũ khí mới là ý tưởng tốt và có giá trị nhưng họ không có nhiều kỳ vọng vào viễn cảnh này.

Đức Hoàng

Tổng hợp