Ông Trump muốn gì ở Iran?
Ngày 8/5 đánh dấu 1 năm chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tên đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Chiến tranh chưa nổ ra, nhưng căng thẳng đang gia tăng. Iran hôm qua tuyên bố sẽ dừng xuất khẩu uranium thừa và nước nặng như quy định trong JCPOA, và đặt ra thời hạn 60 ngày để các bên thống nhất điều khoản mới trước khi Iran khôi phục hoạt động làm giàu urani cấp độ đủ để sản xuất vũ khí, AP đưa tin.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Mỹ điều một nhóm tàu sân bay đến vịnh Ba Tư do giới chức Mỹ nhận được thông tin tình báo rằng các hoạt động của Iran có thể gây hại cho các lợi ích của Mỹ hoặc đồng minh.
Một bài bình luận trên CNN đánh giá, khi hứng chịu thiệt hại nặng nề vì các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Iran có thể buộc phải tìm cách làm thân với Mỹ, nhưng khả năng cao là ngược lại. Cho đến nay, cả Mỹ và Iran có vẻ chưa hứng thú với đàm phán. Nếu may mắn, hai nước sẽ tránh được leo thang quân sự, dù một số quan chức diều hâu trong chính quyền Mỹ đang muốn tiến đến điều đó. Nhưng về mặt ngoại giao, cả hai phía đang không đi đến đâu.
Ông Trump từng nói đến ý tưởng đàm phán một thỏa thuận tốt hơn với Iran và gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Nhưng chính quyền Mỹ liên tục khiến tình hình tăng nhiệt bằng cách thắt chặt trừng phạt Iran. Tháng 5 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đặt ra hàng chục điều kiện mà Iran phải đáp ứng trước khi Mỹ dỡ trừng phạt và thiết lập quan hệ ngoại giao. Giới quan sát cho rằng đó không phải lời đề nghị đàm phán nghiêm túc mà là đòi hỏi Iran phải vẫy cờ trắng đầu hàng. Ông Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton được cho là không sẵn sàng cho một cuộc đàm phán mà ở đó họ sẽ vừa cho vừa nhận lại. Đối với họ, sự thỏa hiệp - ít nhất với Iran, bị cho là yếu thế, CNN bình luận.
Vậy thì, theo CNN, mục tiêu của chính quyền Trump có vẻ là thay đổi chế độ của Iran. Ông Pompeo từng nói Mỹ không hứng thú với một cuộc “diễn tập quân sự” để thay đổi chế độ Iran. Nhưng chính quyền Mỹ đang làm mọi thứ có thể để khiến chính quyền Iran sụp đổ. Từ bỏ thỏa thuận hạt nhân, đưa Lực lượng vệ binh cách mạng Iran vào danh sách khủng bố, chặn mọi đường ra của dầu Iran để xuất khẩu dầu của nước này về 0. Những việc đó được cho là nỗ lực nhằm thay đổi chế độ. Trước khi làm việc trong chính quyền hiện nay, ông Bolton là người ủng hộ ý tưởng mang bom đến thả xuống Iran và thay đổi chế độ của nước này. Gần đây, ông nói với báo The New Yorker rằng sự phản đối chế độ (Iran) ngày càng mở rộng.
Tuy nhiên, nhà nước Iran hiện nay được đánh giá là rất mạnh, khi không có lực lượng chính trị đối lập nào thách thức được vai trò lãnh đạo của chính quyền tôn giáo, và hàng triệu người Iran vẫn ủng hộ chế độ. Cũng không có lựa chọn quân sự khả thi nào để Mỹ có thể loại bỏ chính quyền Iran hiện nay, còn một cuộc xâm lược quy mô toàn diện sẽ rất nguy hiểm và khó xảy ra. Trong khi đó, Iran có nhiều cách để làm tổn thương Mỹ và các đồng minh ở khu vực của Mỹ.
Chính quyền Iran tỏ ra kiên cường, tháo vát và kiên nhẫn trước các đòn dọa nạt của Mỹ. Hơn nữa, các thiết chế an ninh và tôn giáo của Iran đang lấy Mỹ làm lý do để tập hợp ủng hộ đối với chế độ.
Tehran có thể sẽ cố chịu cho đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo, dựa vào các quốc gia không nghe theo yêu cầu của Mỹ về việc ngừng mua dầu Iran, và sự hồi phục của thị trường dầu mỏ toàn cầu giúp doanh thu của Iran tăng lên.
Và Iran luôn có kế hoạch B. Nếu các biện pháp trên không đủ, họ có thể phát triển chương trình hạt nhân hay tấn công Mỹ và các đồng minh ở khu vực, theo CNN.
Theo Bình Giang
Tiền phong