Ông Trump để ngỏ biện pháp quân sự để kiểm soát kênh đào Panama, Greenland
(Dân trí) - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump để ngỏ phương án sử dụng các biện pháp quân sự và kinh tế khi ông cho rằng Washington cần có quyền kiểm soát kênh đào Panama và Greenland.
Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 7/11 đã từ chối cam kết không sử dụng các biện pháp quân sự hoặc kinh tế khi ông cho rằng Mỹ cần giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama và mua lại đảo Greenland, đảo lớn nhất thế giới và hiện là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.
Khi được hỏi tại một cuộc họp báo liệu ông có đảm bảo không sử dụng sức ép quân sự hoặc kinh tế đối với Panama và Greenland hay không, ông Trump trả lời: "Không, tôi không thể đảm bảo điều đó. Nhưng tôi có thể nói điều này: Chúng ta cần chúng (kênh đào Panama và Greenland) để đảm bảo an ninh kinh tế".
Phát biểu này được đưa ra khi ông Trump trình bày chi tiết thêm về kế hoạch mở rộng lãnh thổ, chỉ hai tuần trước khi ông nhậm chức trong buổi lễ diễn ra vào ngày 20/1 tại Washington.
Ông Trump cũng cam kết đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ (Gulf of America). Ông cũng lặp lại tuyên bố sẽ áp đặt các mức thuế đáng kể đối với 2 nước láng giềng Mexico và Canada.
Lời hứa đổi tên Vịnh này gợi nhớ đến cam kết trước đó của ông Trump về việc đổi tên Denali, đỉnh núi cao nhất Bắc Mỹ, trở lại tên gọi Mount McKinley. Cựu Tổng thống Barack Obama đã đổi tên ngọn núi ở Alaska này để tôn trọng người bản địa.
Thông thường, Hội đồng Đặt tên Địa lý Mỹ là cơ quan đặt tên địa danh, mặc dù các tổng thống cũng có thể đổi tên các địa danh thông qua sắc lệnh hành pháp.
Buổi họp báo, lần thứ 2 của ông Trump kể từ khi ông thắng cử vào ngày 5/11/2024, diễn ra một ngày sau khi Quốc hội chính thức chứng nhận chiến thắng của ông.
Trong những tuần qua, ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của kênh đào Panama và đảo Greenland của Đan Mạch, cho rằng Mỹ cần có những khu vực này.
Ông Trump mong muốn có Greenland vì vị trí chiến lược của hòn đảo, trong bối cảnh băng ở Bắc Cực tan chảy đang mở ra những cuộc cạnh tranh thương mại và hải quân mới, cũng như vì trữ lượng khoáng sản đất hiếm cần thiết cho công nghệ tiên tiến.
Trong khi đó, vào tháng trước, ông Trump đã cáo buộc Panama tăng giá đối với các tàu thuyền của Mỹ đi qua kênh đào và gợi ý rằng nếu điều này không thay đổi, ông sẽ từ bỏ hiệp ước từ thời Tổng thống Jimmy Carter, vốn trao trả toàn bộ quyền kiểm soát khu vực kênh đào cho Panama.
"Các khoản phí mà Panama đang áp đặt là vô lý. Sự "bóc lột" hoàn toàn đối với đất nước chúng tôi sẽ phải chấm dứt ngay lập tức", ông viết.
Cả Greenland và Panama đều bác bỏ những tuyên bố từ phía ông Trump. Lãnh đạo Greenland khẳng định hòn đảo lớn nhất thế giới "không phải để bán và sẽ không bao giờ để bán. Chúng tôi không được phép thua trong cuộc đấu tranh lâu dài cho tự do của mình".
Trong khi đó, Tổng thống Panama José Rául Mulino phát biểu rằng "mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama, và sẽ tiếp tục như vậy. Chủ quyền và độc lập của đất nước chúng tôi không thể thương lượng".