1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Trump có thể cứng rắn hơn với Trung Quốc khi trở lại Nhà Trắng?

Thành Đạt

(Dân trí) - Cựu Tổng thống Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng và dự kiến đưa ra cách tiếp cận mới về chính sách đối ngoại của Mỹ trong 4 năm tới.

Ông Trump có thể cứng rắn hơn với Trung Quốc khi trở lại Nhà Trắng? - 1

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau tại Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: AFP).

Cử tri Mỹ đã bầu một nhà lãnh đạo tuân thủ nguyên tắc "Nước Mỹ trên hết", trong đó lợi ích của Mỹ được đặt lên hàng đầu và được kỳ vọng sẽ theo chủ nghĩa biệt lập hơn so với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.

Theo giới phân tích, trong khi một số quốc gia hoan nghênh nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Tổng thống Trump, Trung Quốc có thể sẽ lo ngại hơn.

"Trump 2.0 có khả năng sẽ khốc liệt hơn phiên bản năm 2017", Wang Dong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước bầu cử với giới truyền thông Trung Quốc.

"So với nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2017, quan điểm của ông Trump trong chiến dịch tranh cử thứ hai vào năm 2024 không thay đổi nhiều, nhưng tình hình trong nước và môi trường quốc tế đã thay đổi đáng kể... Trong thời kỳ Trump 2.0, Trung Quốc và Mỹ có khả năng sẽ liên tục xảy ra xung đột và bất hòa", giáo sư Wang nhận định.

Theo báo Guardian (Anh), các nhà phân tích dự đoán cách tiếp cận của ông Trump đối với Trung Quốc sẽ khó dự đoán.

Đối với Trung Quốc, quốc gia đã trải qua mối quan hệ xấu đi với Mỹ kể từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, việc chính quyền Trump trở lại Nhà Trắng có thể không phải là tin tốt cho Bắc Kinh, theo trang tin Conversation.

Ông Trump đã tiến hành một cuộc chiến thương mại chưa từng có với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vào tháng 7/2018 và áp đặt mức thuế lên tới 25% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.

Trong các bài phát biểu vận động tranh cử năm nay, ông Trump đã ngụ ý rằng Mỹ có thể áp thuế với hàng hóa Trung Quốc lên tới 60%, thậm chí có thể cao hơn.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, các mức thuế tiếp theo có thể làm suy yếu chiến lược phục hồi kinh tế của Trung Quốc, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Yu Jie, một nghiên cứu viên cao cấp tại tổ chức nghiên cứu Chatham House, cho biết các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã chuẩn bị cho chiến thắng của ông Trump trong nhiều tháng. Cuộc chiến thương mại "sẽ tồi tệ hơn nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump", Yu nói. 

Việc áp đặt mức thuế cao hơn có lẽ không phải là điều duy nhất khiến Bắc Kinh lo ngại dưới nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump. Nước Mỹ do ông Trump lãnh đạo có khả năng sẽ hạn chế dòng chảy công nghệ từ Mỹ hoặc châu Âu vào Trung Quốc. Điều này sẽ cản trở tham vọng của Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu vào năm 2030.

Chính quyền mới của Tổng thống Trump cũng có thể theo đuổi chiến lược tách rời kinh tế để "giảm rủi ro" cho chính nước Mỹ khỏi việc tiếp xúc với Trung Quốc. Điều này nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc bằng cách chuyển chuỗi cung ứng sang quốc gia khác và có thể hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.

Trong khi mức thuế cao trước đây của chính quyền Trump chắc chắn đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, một yếu tố khác góp phần làm suy yếu quan hệ Trung - Mỹ là cuộc xung đột Nga - Ukraine. Phương Tây đã cáo buộc Bắc Kinh hỗ trợ Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động cứng rắn với Trung Quốc vì đã hỗ trợ Nga, bất chấp việc Bắc Kinh và Moscow bác bỏ cáo buộc này.

Đối với Nga, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump có thể đảo ngược tình thế có lợi cho Moscow. Một thỏa thuận hòa bình do ông Trump làm trung gian đàm phán có thể bao gồm việc cho phép Nga tiếp tục kiểm soát các vùng lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát ở Ukraine. Ông Trump thậm chí có thể dỡ bỏ hoặc giảm lệnh trừng phạt đối với Nga vì tổng thống đắc cử Mỹ "không thích lệnh trừng phạt".

Bắc Kinh hy vọng Nga sẽ trở thành đồng minh mạnh mẽ để giúp chống lại trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu, nhưng cũng tránh trở thành tâm điểm chỉ trích của phương Tây liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Với tư cách là "người đàm phán chính" và là người ủng hộ hàng đầu cho chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết", ông Trump sẽ đạt được lợi ích gì khi giúp Nga?

Đầu tiên, Nga đã trông cậy nhiều vào mối quan hệ với Trung Quốc và việc giúp Nga giải quyết các vấn đề ngoại giao và kinh tế của nước này có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Nga. Thứ hai, trong bối cảnh Iran, quốc gia có thể được Nga hậu thuẫn, làm suy yếu lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, chính quyền mới của Tổng thống Trump có thể làm trung gian cho một hiệp định hòa bình Nga - Ukraine, trong đó Nga cam kết không hỗ trợ quân sự cho Iran và các đồng minh khu vực của Iran, chẳng hạn Hezbollah.

Khi ảnh hưởng của Iran trong khu vực suy yếu, Mỹ có thể giải phóng nhiều nguồn lực hơn vốn đang bị ràng buộc ở Trung Đông và tập trung nguồn lực của mình vào nơi khác, chẳng hạn Trung Quốc, nếu Washington muốn. Điều đó có thể làm suy yếu hơn nữa khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Khác với Tổng thống Biden, ông Trump vẫn còn mơ hồ về việc liệu ông có bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc hành động quân sự hay không.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời. Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng sáp nhập Đài Loan bằng mọi cách, kể cả sử dụng vũ lực.

Ông Trump dường như không hài lòng vì Đài Loan đã lấy mất ngành công nghiệp bán dẫn khỏi Mỹ. Ông cũng tin rằng hòn đảo này nên trả nhiều tiền hơn cho việc phòng thủ của mình. Tuy nhiên, sự bất bình của ông Trump đối với Đài Loan không phải là vấn đề lớn nhất.

Ông Trump đã ám chỉ rằng ông có thể tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên tới 200% nếu Bắc Kinh hành động quân sự với Đài Loan. Theo đó, ông Trump có thể coi Đài Loan như một nước cờ trong chương trình nghị sự với Trung Quốc. Có dự báo rằng ông Trump có thể đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về Đài Loan.

Trung Quốc ứng phó như thế nào?

Khi Trung Quốc chuẩn bị ứng phó với những bất ổn có thể xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump, Bắc Kinh có khả năng sẽ theo đuổi các liên minh bên ngoài phương Tây. Trung Quốc có thể sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các nước trong khu vực châu Á hay Hội đồng hợp tác vùng Vịnh nếu muốn giảm sự phụ thuộc vào phương Tây về xuất khẩu và đầu tư.

Trung Quốc cũng có thể "bắt tay" với Iran nếu sự ủng hộ của Nga đối với Tehran giảm đi. Việc Mỹ đầu tư nhiều nguồn lực hơn ở Trung Đông đồng nghĩa với việc Washington sẽ có ít nguồn lực hơn để đối phó với Bắc Kinh.

Một cách tiếp cận mà Trung Quốc có thể theo đuổi là tăng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các nước Nam bán cầu. Vào tháng 9, tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ áp dụng chế độ thuế quan bằng 0 đối với các nước đang phát triển có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, bao gồm 33 nước ở châu Phi. Các chính sách như vậy hoàn toàn trái ngược với các rào cản kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ. 

Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc mua công nghệ tiên tiến để sản xuất chất bán dẫn, các công ty Trung Quốc đã tập trung vào việc xây dựng các giải pháp thay thế của riêng họ.

Ông Trump đã tuyên bố rằng ông có thể chấm dứt chiến tranh "trong vòng 24 giờ". Nhưng nhiều đồng minh của Mỹ lo ngại rằng kịch bản có khả năng xảy ra hơn là ông Trump sẽ giảm viện trợ quân sự cho Ukraine hoặc gây sức ép buộc Kiev chấp nhận một thỏa thuận mà trong đó họ mất quyền kiểm soát một số vùng lãnh thổ.

"Nếu sự ủng hộ của ông Trump đối với Ukraine giảm đi, điều đó sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc bước vào bàn đàm phán", chuyên gia Yu nói. Cùng với cuộc chiến đang diễn ra ở Dải Gaza, Bắc Kinh sẽ khai thác quan điểm rằng Mỹ là bên gây ra bất ổn trên thế giới, trong khi Bắc Kinh mang lại sự ổn định.

Theo Conversation, Guardian, Reuters