Ông Trump có thể cải tổ tình báo Mỹ nếu tái đắc cử
(Dân trí) - Cựu Tổng thống Donald Trump "có khả năng" tiến hành cải tổ sâu rộng trong cộng đồng tình báo Mỹ nếu ông tái đắc cử vào tháng 11 tới.
Trong một bài viết được đăng tải hôm 27/2, Politico đã phỏng vấn 18 quan chức tình báo, bao gồm một số người từng được cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm và sau này chỉ trích ông. Họ nói rằng kế hoạch cải tổ của ông Trump có thể "làm suy yếu uy tín của tình báo Mỹ".
"Ông Trump có ý định cải tổ cộng đồng tình báo. Ông ấy đã bắt đầu quá trình đó trước đây và sẽ thực hiện lại. Một phần của quá trình đó là loại bỏ tận gốc và trừng phạt các cá nhân", một cựu quan chức tình báo cấp cao cho biết.
Nếu ông Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới, ông sẽ thay thế "những người được coi là thù địch với chương trình nghị sự chính trị của ông bằng những người trung thành thiếu kinh nghiệm", Politico tóm tắt tuyên bố của những người chỉ trích ông Trump.
Hai người được nêu tên cụ thể là cựu quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) Richard Grenell và trợ lý Kash Patel, người đóng vai trò quan trọng trong việc giải mật các tài liệu về nguồn gốc của Russiagate (cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ).
Những người khác từng được ông Trump bổ nhiệm và được phỏng vấn trong bài viết gồm cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Fiona Hill, cố vấn hàng đầu về Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia.
"Ông ấy muốn vũ khí hóa cộng đồng tình báo. Nếu ông ấy biết được thông tin gì đó, ông ấy sẽ khiến chúng ta bị che mắt một phần", cựu cố vấn Hill cho biết.
Một số quan chức giấu tên cho biết các cuộc cải tổ có thể xảy ra của ông Trump có thể gây nguy hiểm cho "các nguồn và phương pháp" được gián điệp Mỹ sử dụng, đồng thời làm suy yếu lòng tin của các đồng minh dành cho Mỹ, trong khi đây là điều mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cố gắng xây dựng lại.
Vào tháng 12 năm ngoái, một nhà ngoại giao từ một quốc gia thành viên NATO giấu tên đã mô tả việc ông Trump tái đắc cử và thực sự cải tổ bộ máy hành chính Mỹ như một "lựa chọn cho ngày tận thế".
Những người khác lo ngại việc bổ nhiệm những nhân vật "gây tranh cãi" có thể khiến các quan chức, nhân viên cấp dưới có thẩm quyền phải từ chức.
"Có hàng nghìn người đang làm việc cật lực, thường xuyên ở những nơi nguy hiểm, hy sinh rất nhiều cho đất nước. Nếu công việc của họ bị tổng tư lệnh sa thải, thực sự đó là điều đáng buồn", Jon Darby, cựu giám đốc điều hành của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), nói với Politico.
Vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Biden tuyên bố, nếu người tiền nhiệm Donald Trump tái đắc cử, nền dân chủ của Mỹ sẽ "bị đe dọa".
Ông Trump hiện là ứng viên tổng thống sáng giá của đảng Cộng hòa, trong khi ông Biden là ứng viên đảng Dân chủ. Do vậy, khả năng tái đấu Trump - Biden trong cuộc bầu cử năm nay rất cao.