1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Trump làm thế giới "chao đảo" dù chưa vào Nhà Trắng

Quốc Đạt

(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo trên thế giới đang bắt đầu nhận ra và phản ứng trước thực tế là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự có thể trở lại Nhà Trắng sau một năm nữa.

Ông Trump làm thế giới chao đảo dù chưa vào Nhà Trắng - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Đối diện viễn cảnh chính quyền Mỹ trong năm 2025 sẽ khác biệt gần như hoàn toàn so với chính quyền hiện tại, một số quốc gia đang ngày càng cân nhắc cái có thể được gọi là "tận dụng lợi thế Trump" trong tính toán chính sách đối nội và đối ngoại.

Theo đó, những nước này sẽ trì hoãn đưa ra quyết định với kỳ vọng rằng họ có thể đạt thỏa thuận tốt hơn với Washington vào một năm sau, khi ông Trump làm tổng thống.

Ngược lại, một số quốc gia khác đang bắt đầu tìm kiếm biện pháp "phòng ngừa rủi ro Trump", thông qua việc phân tích những điều bất lợi với họ nếu vị cựu Tổng thống tái xuất để có sự chuẩn bị phù hợp.

Chiến sự Ukraine và an ninh châu Âu

Theo bài viết trên Foreign Affairs của Graham Allison, Giáo sư về chính phủ thuộc Trường Harvard Kennedy, những tính toán của Nga trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" Ukraine là một trong những ví dụ về "tận dụng lợi thế Trump".

Tín hiệu về việc Nga sẵn sàng chấm dứt chiến sự bắt đầu xuất hiện trong những tháng gần đây, như khi Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi đàm phán trong khi trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Tucker Carlson. Nhưng vì yếu tố "lợi thế Trump", chiến sự nhiều khả năng vẫn sẽ kéo dài cho tới năm sau.

Ông Allison chỉ ra, phía Nga ắt hẳn biết rõ lời hứa "chấm dứt giao tranh trong một ngày" của ông Trump: "Tôi sẽ nói với Zelensky rằng sẽ không còn viện trợ. Ông phải đạt thỏa thuận". Trước khả năng ông Trump sẽ đưa ra các điều khoản có lợi cho Nga hơn nhiều so với bất cứ điều gì mà ông Biden hoặc ông Zelensky có thể đồng ý lúc này, Moscow nhiều khả năng sẽ chờ đợi.

Ông Trump làm thế giới chao đảo dù chưa vào Nhà Trắng - 2

Một cây cầu bị tàn phá được nhìn từ trên cao ở làng Bohorodychne, Ukraine vào ngày 27/1 (Ảnh: AFP/Getty).

Ngược lại, các đồng minh của Ukraine ở châu Âu phải cân nhắc biện pháp "phòng ngừa rủi ro Trump".

Khi chiến sự Ukraine phá vỡ hy vọng của châu Âu về một thế giới mà xung đột vũ trang đã trở thành quá khứ, NATO đã được tiếp thêm sức sống mới. Đồng thời, cam kết phòng vệ tập thể - một trụ cột của liên minh này - cũng nhận được sự tập trung lớn hơn. Nhưng châu Âu dường như đang ngày càng lo lắng trước khả năng ông Trump có thể chiến thắng.

Ông Trump không phải là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên đặt câu hỏi tại sao châu Âu - có dân số gấp 3 lần Nga và quy mô GDP gấp hơn 9 lần - phải phụ thuộc vào Washington trong vấn đề quốc phòng. Khi trả lời phỏng vấn Atlantic vào năm 2016, ông Barack Obama cũng từng chỉ trích châu Âu vì là "những người ăn không".

Nhưng ông Trump thậm chí đi xa hơn, dù phát biểu của ông có thể là một trong những cách để buộc các nước châu Âu phải đáp ứng cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng.

Khi còn là tổng thống, ông từng có cuộc trao đổi nghiêm túc về việc rút hoàn toàn khỏi NATO vào năm 2019, theo cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông, John Bolton. Gần đây, ông tiết lộ mình từng cảnh báo không bảo vệ các nước NATO không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với khối. Trang web tranh cử của ông Trump hiện cam kết "đánh giá lại về cơ bản mục đích và sứ mệnh của NATO".

Vì thế, khi tính toán sẽ gửi bao nhiêu xe tăng hoặc đạn pháo tới Ukraine, một số nước châu Âu lúc này sẽ tự hỏi liệu họ có cần những vũ khí đó cho công tác quốc phòng của chính mình nếu ông Trump đắc cử vào tháng 11 hay không, theo ông Allison.

Trật tự thương mại thế giới mới

Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump hứa hẹn một trật tự thương mại thế giới mới.

Vào ngày đầu tiên nhậm chức năm 2017, ông Trump đã rút khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những tuần tiếp theo đánh dấu sự kết thúc của các cuộc thảo luận nhằm tạo ra hiệp định tương tự ở châu Âu cũng như các hiệp định thương mại tự do khác.

Ông Trump làm thế giới chao đảo dù chưa vào Nhà Trắng - 3

Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Osaka, Nhật Bản vào năm 2019 (Ảnh: New York Times).

Ông Trump cũng áp đặt mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc, mức thuế mà ông Biden phần lớn vẫn giữ nguyên.

Nếu đắc cử nhiệm kỳ thứ 2, ông Trump có thể táo bạo hơn, như nhà đàm phán thương mại của Mỹ dưới thời ông Trump, ông Robert Lighthizer, đã đánh giá trong cuốn sách xuất bản gần đây của ông.

Trong chiến dịch tranh cử hiện tại, ông Trump hứa sẽ áp mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ mọi quốc gia và sẽ "ăn miếng trả miếng" với các quốc gia đánh thuế cao hơn đối với hàng hóa của Mỹ. Ông cũng khẳng định Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) - sáng kiến hợp tác với các nước châu Á - Thái Bình Dương do chính quyền ông Biden khởi xướng - sẽ "chết ngay từ ngày đầu tiên".

Theo tiết lộ của ông Lighthizer, đối với Trung Quốc, ông Trump có thể hủy bỏ quy chế "quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn" mà Trung Quốc đã được cấp vào năm 2000 trước khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Và mục tiêu của ông Trump sẽ là "loại bỏ sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực quan trọng", bao gồm điện tử, thép và dược phẩm.

Vì thương mại là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, phần lớn các nhà lãnh đạo thế giới có thể cho rằng, khả năng các sáng kiến của Mỹ có thể phá vỡ trật tự thương mại dựa trên luật lệ là điều gần như không thể tưởng tượng được.

Nhưng ắt hẳn, một số nước đang xem xét những kịch bản mà trong đó, Mỹ sẽ thành công trong việc tách mình ra khỏi trật tự thương mại toàn cầu, thay vì thành công buộc các nước khác tách khỏi Trung Quốc, theo ông Allison.

"Trong lịch sử nước Mỹ, đã có những thời đại mà sự khác biệt giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa về các vấn đề chính sách đối ngoại lớn là rất khiêm tốn", ông Graham nói. "Tuy nhiên, thập kỷ này không phải là một trong số đó".

Theo Foreign Affairs