Ông Trump cảnh báo dùng biện pháp quân sự ngăn Iran có vũ khí hạt nhân
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ có hành động quân sự trong nỗ lực ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và Israel sẽ đóng vai trò chính trong động thái này.

Một tên lửa của Iran (Ảnh minh họa: Reuters).
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ sử dụng biện pháp quân sự đối với Iran nếu nước này tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, trong bối cảnh các bên chuẩn bị nhóm họp vào cuối tuần tới để thảo luận về căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.
Phát biểu trước báo giới tại một sự kiện ở Phòng Bầu Dục hôm 9/4, ông Trump khẳng định ông "chắc chắn" sẽ cân nhắc hành động quân sự "nếu cần thiết". Ông cũng cho biết Israel sẽ "rất tích cực tham gia, đóng vai trò lãnh đạo trong vấn đề này".
Tổng thống Mỹ cho hay ông đã đặt ra một thời hạn nội bộ để các cuộc đàm phán đạt được kết quả cụ thể.
"Chúng ta không còn nhiều thời gian, vì chúng ta sẽ không để họ sở hữu vũ khí hạt nhân. Và chúng ta sẽ để họ phát triển, tôi muốn Iran trở nên hùng mạnh. Điều duy nhất họ không thể có, đó là vũ khí hạt nhân", ông Trump tuyên bố.
Cuộc đàm phán cấp cao dự kiến diễn ra tại Oman cuối tuần này sẽ đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 9/2022 Mỹ và Iran cùng tham gia vào một vòng đàm phán hạt nhân chính thức.
Ông Trump không nêu rõ ai sẽ đại diện hay tham gia vào cuộc đàm phán, nhưng cho biết ông xem cuộc họp cuối tuần là "sự khởi đầu" của tiến trình và đã có một thời hạn cụ thể trong đầu cho kết quả của cuộc thảo luận.
Ông từ chối cho biết khi nào hành động quân sự có thể bắt đầu.
"Tôi không muốn nói cụ thể. Nhưng khi các cuộc đàm phán bắt đầu, bạn sẽ biết chúng diễn ra thuận lợi hay không. Và tôi nghĩ, kết luận sẽ được đưa ra khi tôi cảm thấy mọi việc không còn tiến triển tốt đẹp", ông Trump nói.
Ngày 7/4, ông Trump bất ngờ tuyên bố rằng Mỹ và Iran sắp bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp về chương trình hạt nhân của Tehran vào ngày 12/4, đồng thời cảnh báo Iran sẽ "gặp nguy hiểm lớn" nếu các cuộc đàm phán thất bại.
Iran, quốc gia thời gian qua đã phản đối mạnh mẽ các yêu cầu của ông Trump, cho biết các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành gián tiếp tại Oman, cho thấy sự khác biệt quan điểm sâu sắc giữa 2 bên.
Ngày 8/4, truyền thông nhà nước Iran đưa tin các cuộc đàm phán sẽ do Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi và Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Steve Witkoff dẫn đầu, dưới sự trung gian của Ngoại trưởng Oman, ông Badr al-Busaidi.
Mỹ và Iran từng tiến hành các cuộc đàm phán gián tiếp dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, nhưng hầu như không đạt được tiến triển đáng kể. Các cuộc đàm phán trực tiếp gần đây nhất giữa hai chính phủ là dưới thời Tổng thống Barack Obama, người đã thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015, thỏa thuận sau đó bị ông Trump rút khỏi.
Trong nhiệm kỳ 2017-2021, ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới, vốn được thiết kế nhằm kiềm chế các hoạt động hạt nhân nhạy cảm của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Ông cũng tái áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Tehran.
Kể từ đó, Iran đã vượt xa các giới hạn về làm giàu uranium trong thỏa thuận.
Các nước phương Tây cáo buộc Iran theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân bí mật bằng cách làm giàu uranium ở mức độ tinh khiết cao, vượt quá mức cần thiết cho mục đích năng lượng dân sự.
Tehran bác bỏ cáo buộc, khẳng định chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn vì mục đích năng lượng dân dụng.