1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Iran
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày

Ông Trump cân nhắc đến Thổ Nhĩ Kỳ tham gia đàm phán Nga - Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét khả năng đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine.

Ông Trump cân nhắc đến Thổ Nhĩ Kỳ tham gia đàm phán Nga - Ukraine - 1

Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Getty).

Phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày 12/5, Tổng thống Donald Trump gọi các cuộc đàm phán tiềm năng giữa Nga và Ukraine là một sự kiện "rất quan trọng".

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5.

"Tôi nghĩ rằng có thể đạt được kết quả tốt trong cuộc gặp giữa Nga và Ukraine vào thứ Năm (15/5) tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi tin rằng hai nhà lãnh đạo sẽ có mặt ở đó. Tôi đã nghĩ đến việc bay qua đó. Tôi không biết mình sẽ ở đâu vào thứ Năm, tôi có rất nhiều cuộc gặp, nhưng tôi đã nghĩ đến việc sẽ đáp chuyến bay đến đó", ông Trump nói.

Ý tưởng của Tổng thống Trump về việc đến Thổ Nhĩ Kỳ và tham gia đàm phán được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh. Ông Zelensky mô tả đây là "ý tưởng đúng đắn" và nhắc lại tuyên bố rằng ông đã sẵn sàng gặp trực tiếp ông Putin.

Cho đến nay, Moscow vẫn im lặng về viễn cảnh nhà lãnh đạo Nga sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia cuộc đàm phán.

Khi đề xuất quay lại đàm phán trực tiếp, Tổng thống Putin đã nhắc lại cam kết của Nga về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông Putin nhấn mạnh rằng quá trình giải quyết phải bắt đầu bằng các cuộc đàm phán và các cuộc đàm phán cuối cùng có thể dẫn đến "một số hình thức ngừng bắn mới và một lệnh ngừng bắn mới".

"Chúng tôi quyết tâm đàm phán nghiêm túc với Ukraine. Mục tiêu là loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột và đạt được hòa bình lâu dài theo quan điểm lịch sử", Tổng thống Nga cho biết.

Đề xuất này đã vấp phải phản ứng trái chiều từ Ukraine và các nước ủng hộ Kiev. Họ cho rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng chỉ được tiến hành sau khi thiết lập lệnh ngừng bắn ít nhất 30 ngày.

Tuy nhiên, đề xuất của Tổng thống Putin đã được Tổng thống Trump ủng hộ. Ông chủ Nhà Trắng thúc giục Kiev "ngay lập tức" chấp nhận đề xuất của Moscow.

Sau lời kêu gọi của ông Trump, Kiev dường như đã thay đổi lập trường và Tổng thống Zelensky tuyên bố sẵn sàng tham gia cuộc đàm phán, mặc dù vẫn nhắc lại yêu cầu ngừng bắn.

Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh sáng kiến đàm phán ở Istanbul, đồng thời tuyên bố sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán để giải quyết xung đột Ukraine.

Tuy nhiên, văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một thông điệp có phần mơ hồ về vấn đề này vào ngày 12/5, cho rằng đây là một cơ hội không nên bỏ lỡ nhưng cũng thừa nhận lệnh ngừng bắn sẽ tạo ra "môi trường cần thiết" cho các cuộc đàm phán.

Nga cho đến nay vẫn chưa đồng ý với đề xuất ngừng bắn 30 ngày. Moscow cho rằng việc ngừng bắn trong khoảng thời gian này sẽ cho phép Kiev có thêm thời gian để tập hợp lại lực lượng và trang bị vũ khí cho quân đội.

Theo RT