1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Tập Cận Bình: Quan hệ Trung - Pháp là hình mẫu quốc tế

Thành Đạt

(Dân trí) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi mối quan hệ Trung - Pháp là hình mẫu quốc tế giữa bối cảnh tranh chấp thương mại gia tăng với Liên minh châu Âu (EU).

Ông Tập Cận Bình: Quan hệ Trung - Pháp là hình mẫu quốc tế - 1

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Orly, phía nam Paris hôm 5/5 (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Paris và được Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đón tiếp tại sân bay hôm 5/5. 

Trong một tuyên bố, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pháp là "hình mẫu cho cộng đồng quốc tế chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia có hệ thống xã hội khác nhau".

Đây là chuyến thăm hiếm hoi của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Pháp trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Pháp đang ủng hộ một cuộc điều tra của Liên minh châu Âu về xuất khẩu xe điện của Trung Quốc. Vào tháng 1, Bắc Kinh cũng mở một cuộc điều tra về việc nhập khẩu rượu mạnh, chủ yếu do Pháp sản xuất. Đây được xem là động thái trả đũa của Bắc Kinh đối với các cuộc điều tra của EU.

Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào ngày 6/5.

Tổng thống Macron dự kiến sẽ hối thúc ông Tập giảm bớt tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước, đồng thời sử dụng ảnh hưởng của nhà lãnh đạo Trung Quốc với Nga nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.

"Chúng tôi muốn đạt được sự trao đổi có đi có lại và tính đến các yếu tố an ninh kinh tế của chúng tôi", ông Macron nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Pháp La Tribune trước chuyến thăm hai ngày của ông Tập, chuyến đi đầu tiên của ông tới khu vực này sau 5 năm.

27 thành viên EU - đặc biệt là Pháp và Đức - có quan điểm khác nhau về lập trường đối với Trung Quốc. Sự chia rẽ này có thể làm suy yếu khả năng của EU trong việc tác động đến Trung Quốc.

"Ở châu Âu, chúng tôi không nhất trí về chủ đề này vì một số nước vẫn coi Trung Quốc về cơ bản là một thị trường đầy cơ hội", ông Macron nói.

Các quan chức cho biết, Pháp cũng sẽ tìm cách đạt được tiến triển trong việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho hàng xuất khẩu nông sản của nước này, đồng thời giải quyết các vấn đề xung quanh mối lo ngại của ngành mỹ phẩm Pháp về quyền sở hữu trí tuệ.

Những nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán cho biết, Trung Quốc có thể công bố đơn đặt hàng khoảng 50 máy bay Airbus trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, nhưng vẫn chưa chắc chắn liệu đây có phải là một thỏa thuận mới hay không.

Pháp cũng muốn thúc đẩy Trung Quốc gây áp lực lên Nga để ngừng các hoạt động quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, nỗ lực của Pháp không đạt được nhiều tiến triển, ngoại trừ việc ông Tập gọi điện cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu tiên ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Macron đến Bắc Kinh vào năm ngoái.

Trong chuyến đi tới châu Âu lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến thăm Pháp, Serbia và Hungary. Nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic để trao đổi quan điểm về quan hệ song phương và thảo luận về việc nâng cấp mối quan hệ Trung Quốc - Serbia.

Theo Reuters