"Ông lớn" dược phẩm sẽ gửi vắc-xin Covid-19 cho Mỹ trước, Pháp nổi giận
(Dân trí) - Sau khi hãng dược phẩm lớn của Pháp Sanofi tuyên bố họ sẽ ưu tiên gửi vắc-xin Covid-19 cho Mỹ trước, phía Paris đã lên tiếng phản đối, gọi đây là hành động “không thể chấp nhận được”.
AFP đưa tin, chính phủ Pháp ngày 14/5 đã lên tiếng phản đối sau khi Sanofi cho hay họ sẽ gửi lô vắc-xin đầu tiên trong trường hợp hãng chế tạo ra được, cho Mỹ. Pháp gọi kế hoạch của Sanofi là “không thể chấp nhận” trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế Covid-19 đã khiến gần 300.000 người thiệt mạng trên toàn cầu.
Giám đốc điều hành Sanofi Paul Hudson hôm 13/5 cho biết, Mỹ sẽ nhận được lô vắc-xin đầu tiên từ Sanofi vì chính phủ Washington đã hỗ trợ ngân sách cho hãng dược phẩm Pháp nghiên cứu vắc-xin.
“Chính phủ Mỹ có quyền nhận được đơn đặt hàng sớm lớn nhất vì họ đã đầu tư nhận lấy rủi ro. Chuyện như vậy xảy ra vì họ đã đầu tư để bảo vệ người dân của họ, để khởi động lại kinh tế”, ông Hudson cho biết.
Bình luận của ông đã hứng hàng loạt chỉ trích từ phí chính phủ Pháp và các chuyên gia - những người chỉ ra rằng Sanofi đã hưởng lợi từ chục hàng triệu euro ngân sách nghiên cứu mà chính phủ Pháp chi trong nhiều năm qua.
“Thật không thể chấp nhận khi các đặc quyền tiếp cận (vắc-xin) của một quốc gia bị ảnh hưởng bởi lý do tài chính”, Thứ trưởng Tài chính Pháp Agnes Pannier-Runacher chỉ trích.
Bà Pannier-Runacher cho biết đã ngay lập tức liên lạc với Sanofi sau tuyên bố của ông Hudson - một công dân Anh mới lên nhậm chức điều hành Sanofi từ năm ngoái.
“Đại diện Sanofi tại Pháp đã xác nhận với tôi rằng vắc-xin sẽ có thể được phân bổ trên mọi quốc gia, bao gồm cả Pháp”, bà Pannier-Runacher cho hay.
Bộ trưởng Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Pháp Frederique Vidal cho rằng kế hoạch ưu tiên Mỹ của Sanofi là “không thể hiểu nổi và đáng xấu hổ” vì một vắc-xin thành công là vì “lợi ích của toàn thế giới”.
Hồi tháng 4, Sanofi bắt tay cùng với hãng GlaxoSmithKline của Anh để nghiên cứu vắc-xin. Dự án được tài trợ một phần bởi Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ.
Đây là một trong hàng chục dự án vắc-xin đang được nghiên cứu trên thế giới.
Tháng này, châu Âu đã kêu gọi một nỗ lực toàn cầu huy động 8 tỷ USD để nghiên cứu về vắc-xin, phương pháp điều trị, xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, Mỹ không tham gia nỗ lực này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi đó, tuyên bố ông “tự tin” rằng Mỹ sẽ có vắc -xin “vào cuối năm”.
Đức Hoàng
Theo AFP