Người đầu tiên tình nguyện thử nghiệm vắc-xin Covid-19 tại Mỹ
(Dân trí) - Một phụ nữ 43 tuổi ở Seattle, bang Washington, Mỹ đã trở thành tình nguyện viên đầu tiên thử nghiệm vắc-xin Covid-19 do công ty Moderna và Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) phát triển.
Theo hãng tin AP, các nhà khoa học ở viện nghiên cứu Kaiser Permanente, Seattle, Mỹ ngày 16/3 đã tiêm mũi vắc-xin Covid-19 thử nghiệm đầu tiên lên người, chính thức dẫn đầu cuộc đua tìm ra phương pháp ngăn chặn virus corona mới (SARS-CoV-2) lây lan.
“Chúng tôi bây giờ là nhóm mang tên virus corona. Mọi người đều muốn làm những điều họ có thể làm trong tình huống khẩn cấp lúc này”, chuyên gia Lisa Jackson của viện Kaiser Permanente cho biết.
Theo AP, tình nguyện viên đầu tiên tham gia thử nghiệm vắc-xin là bà Jennifer Haller, 43 tuổi, sinh sống tại Seattle. Bà là giám đốc điều hành tại một công ty về công nghệ quy mô nhỏ. Cùng với 3 người khác, bà là những người đầu tiên tham gia thử nghiệm vắc-xin Covid-19.
Tổng cộng, trong giai đoạn 1, sẽ có 45 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm, mỗi người được tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau 1 tháng.
“Chúng tôi đều cảm thấy không thể giúp được gì. Vì vậy, đây là cơ hội tuyệt vời cho tôi để làm điều gì đó”, bà Haller nói, chia sẻ rằng 2 con gái của bà nghĩ rằng hành động của mẹ mình “rất tuyệt”.
Sau khi được tiêm xong, bà Haller bước ra khỏi phòng thử nghiệm và cười tươi: “Tôi cảm thấy rất tuyệt vời”.
Sự kiện ngày 16/3 đánh dấu sự bắt đầu của một chuỗi các nghiên cứu và thử nghiệm trên người cần thiết để chứng minh vắc-xin được điều chế là an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu cũng không thể diễn ra nhanh chóng dù kết quả thử nghiệm ban đầu thuận lợi, vì theo chuyên gia NIH Anthony Fauci, phải cần ít nhất 12-18 tháng để có thể đưa vắc-xin ra thị trường.
Tốc độ chưa từng có tiền lệ
Mặc dù vậy, chuyên gia trên nhấn mạnh rằng việc tìm ra vắc-xin là “ưu tiên y tế công cộng khẩn cấp” vào lúc này và nghiên cứu hôm 16/3 được tiến hành thử nghiệm trên người với “tốc độ kỷ lục và là bước đi quan trọng đầu tiên để đạt được mục đích đó”.
Theo AP, vắc-xin thử nghiệm hôm qua có tên là mRNA-1273, do công ty công nghệ sinh học Moderna (Massachusetts) và Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đồng phát triển. Vắc-xin thử nghiệm không chứa virus, vì vậy người tham gia sẽ không bị nhiễm virus.
Tuy nhiên, đây không phải là vắc-xin thử nghiệm duy nhất. Hàng chục công ty khác trên thế giới cũng đang tham gia vào cuộc đua điều chế vắc-xin Covid-19. Công ty dược Inovio cũng tuyên bố họ sẽ bắt đầu thử nghiệm ở Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc trong tháng tới.
Theo chuyên gia Jackson, với việc bắt đầu nghiên cứu virus corona mới từ con số 0, và chỉ sau 2 tháng đã có vắc-xin thử nghiệm trên người là một dấu mốc “chưa từng có tiền lệ”.
Một số người được chọn tham gia thử nghiệm có tuổi từ 18-55, sức khỏe tốt, sẽ được tiêm liều cao hơn một số tình nguyện viên khác để xem xét tác động của chế phẩm. Các nhà khoa học cũng sẽ kiểm tra tác dụng phụ và lấy máu tình nguyện viên để kiểm tra xem cơ thể họ có sinh ra kháng thể hay không. Mỗi lần tới phòng thí nghiệm, các tình nguyện viên sẽ nhận được 100 USD trong suốt quá trình thử nghiệm.
Nguyên tắc của mRNA là tấn công vào một protein trên virus corona mới. Protein này thường bám vào tế bào cơ thể người nên việc sinh ra kháng thể ngăn chặn nó sẽ khiến cho con người không bị nhiễm virus. Cách làm này nhanh hơn rất nhiều so với phương pháp truyền thống là nuôi virus trong phòng thí nghiệm rồi giết chết hoặc làm yếu nó để tiêm vào người nhằm giúp cơ thể sinh kháng thể.
Tuy nhiên, do đây là sản phẩm thử nghệm đưa vào cơ thể người nên nó đòi hỏi sự nghiên cứu cẩn thận và kỹ lưỡng để đề phòng tác dụng phụ. Vì vậy, việc nghiên cứu có thể diễn ra rất nhanh nhưng để đảm bảo không gây hại thì vắc-xin cần thử nghiệm qua rất nhiều bước.
Cho tới nay, đại dịch Covid-19 hiện đã khiến gần 170.000 người nhiễm bệnh và hơn 6.500 người khác thiệt mạng trên toàn cầu.
Đức Hoàng
Tổng hợp