1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ông Kim Jong-un thị sát vụ thử "tên lửa quái vật" lớn nhất Triều Tiên

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã thị sát vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới (ICBM) Hwasong-17, vũ khí được giới quan sát mệnh danh là "quái vật" và nó là ICBM lớn nhất của Bình Nhưỡng hiện tại.

Ông Kim Jong-un thị sát vụ thử tên lửa quái vật lớn nhất Triều Tiên - 1

Bức ảnh do truyền thông Triều Tiên đăng tải hôm 24/3 cho thấy ICBM mới của nước này xuất hiện phía sau ông Kim Jong-un (Ảnh: KCNA).

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 24/3, xác nhận rằng nước này vào cùng ngày đã thử ICBM mới và uy lực, chính thức khép lại lệnh ngừng thử vũ khí tầm xa do Bình Nhưỡng tự đặt ra trước đó vào năm 2017.

KCNA cho hay, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã trực tiếp chỉ đạo vụ thử nghiệm Hwasong-17, loại ICBM lớn nhất trong kho vũ khí Triều Tiên. Hwasong-17 lần đầu được Triều Tiên giới thiệu vào một lễ duyệt binh hồi tháng 10/2020 và được giới chuyên gia gọi là "tên lửa quái vật".

Ông Kim cho biết, Hwasong-17 được xem là vũ khí chủ chốt nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột hạt nhân.

KCNA tiết lộ, tên lửa này đã bay 1.090 km với độ cao tối đa là 6.248,5 km và đánh chính xác vào một mục tiêu trên biển.

Ông Kim đồng thời tuyên bố, Triều Tiên đã chuẩn bị cho sự đối đầu kéo dài với Mỹ và lực lượng chiến thuật của Bình Nhưỡng sẵn sàng "theo dõi và ngăn chặn" bất cứ nỗ lực quân sự nào của Mỹ.

Ông Kim Jong-un thị sát vụ thử tên lửa quái vật lớn nhất Triều Tiên - 2

Bức ảnh do KCNA đăng tải hôm 24/3 mô tả là vụ thử ICBM mới của Triều Tiên (Ảnh: KCNA).

Hàn Quốc và Nhật Bản trước đó nói rằng, Hwasong-17 bay cao và bay lâu hơn bất cứ tên lửa nào mà Triều Tiên từng thử trước đó, trước khi vũ khí này rơi xuống phía tây Biển Nhật Bản.

Đây là vụ phóng ICBM lớn nhất kể từ năm 2017 và cho thấy bước tiến quan trọng trong sự phát triển của chương trình vũ khí Triều Tiên, đặc biệt với loại khí tài có thể mang đầu đạn hạt nhân và có tầm bay vươn tới lãnh thổ Mỹ, theo Reuters.

Động thái của Triều Tiên tiếp tục đặt ra một thách thức mới cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng như chính quyền các nước Hàn Quốc và Nhật Bản. Các nước này đều lên tiếng chỉ trích Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đã tạm dừng các vụ thử ICBM và hạt nhân từ năm 2017 để theo đuổi hướng đi đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, khi các nỗ lực ngoại giao đình trệ trong vài năm qua, Triều Tiên nói rằng, các vũ khí của họ là cần thiết cho nỗ lực phòng vệ trước những chính sách của Mỹ mà Bình Nhưỡng cáo buộc là có tính "thù địch".

Sau vụ thử ICBM của Triều Tiên, Hàn Quốc đã tổ chức tập trận bắn đạn thật, phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo và không đối đất. Hàn Quốc nói rằng, cuộc tập trận gửi đi thông điệp rằng, họ "có khả năng và sẵn sàng" nhằm vũ khí chính xác vào bãi phóng tên lửa và các mục tiêu khác của Triều Tiên nếu cần thiết.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm