1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Kim Jong-un sẽ ưu tiên phát triển kinh tế?

(Dân trí) - Trong các bài phát biểu trước Bộ Chính trị Triều Tiên hồi cuối tuần qua, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhiều lần sử dụng từ “kinh tế”, dường như thể hiện sự ưu tiên và định hướng phát triển của Bình Nhưỡng trong tương lai.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: KCNA)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: KCNA)

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên vào hôm 7/10, BBC đã nhận thấy sự thay đổi đến từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Cụ thể, dựa trên những thông tin được hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đăng tải, BBC đã thống kê lại từ ông Kim Jong-un sử dụng nhiều nhất trong bài phát biểu trước Bộ Chính trị nước này. Đó là từ “kinh tế”, với tần suất gấp khoảng 2 lần từ “hạt nhân”. BBC phỏng đoán việc này dường như thể hiện sự ưu tiên trong định hướng phát triển của Triều Tiên thời gian tới.

Trong bài phát biểu, ông Kim Jong-un đã nhấn mạnh rằng mặc dù bị áp đặt lệnh trừng phạt và cô lập từ các nước phương Tây, nền kinh tế Triều Tiên vẫn phát triển và đạt được thành tựu. Tuy nhiên, BBC trích dẫn một vài nguồn dữ liệu cho thấy Bình Nhưỡng bị ảnh hưởng bởi các nghị quyết trừng phạt. Giá xăng dầu có biến động và chi phí các mặt hàng nhu yếu phẩm đã tăng lên.

Theo nhà nghiên cứu Triều Tiên Byung-Yeon Kim, các hộ gia đình ở Triều Tiên đã có điều kiện kinh tế tốt hơn trước đây và mức tiêu dùng của họ tăng đáng kể từ những năm 1990. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lệnh trừng phạt, người dân có thể tỏ ra bất mãn với chế độ. Đó là rủi ro mà ông Kim cần tính đến.

Thực tế là trong bài phát biểu, ông Kim đã nhấn mạnh vào định hướng của Triều Tiên, gói gọn trong từ “Byungjin”, có nghĩa là phát triển song song kinh tế và chương trình hạt nhân. Theo BBC, đây chính là chiến lược sinh tồn của Triều Tiên.

Phát triển vũ khí hạt nhân theo quan điểm của ông Kim sẽ bảo vệ được Triều Tiên trước mối đe dọa từ kẻ thù. Hơn nữa, những bài học nhãn tiền từ sự sụp đổ của chế độ Muammar al-Gaddafi ở Libya, hay Saddam Hussein ở Iraq sẽ khiến ông Kim không dễ dàng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Ngoài ra, phát triển kinh tế sẽ giúp chính quyền Bình Nhưỡng củng cố vị thế trong nhân dân và giai cấp thượng lưu Bình Nhưỡng.

Những quan điểm như “đóng cửa” nền kinh tế, không giao lưu hợp tác với đối tác nước ngoài dường như đã lỗi thời tại Triều Tiên. BBC nhận định rằng 50% doanh thu Triều Tiên thu được là từ giao lưu thương mại với các đối tác quốc tế. Gần đây, khi Trung Quốc, đối tác quan trọng nhất của Triều Tiên bắt đầu mạnh tay hơn trong việc áp dụng lệnh trừng phạt, Bình Nhưỡng đã bắt đầu có thể cảm thấy ảnh hưởng rõ rệt tới nền kinh tế nước này.

BBC cho rằng phát triển kinh tế chính là chiến lược sống còn của chính quyền ông Kim Jong-un. Một vài nhà phân tích nhận định rằng chiến lược hiện tại của Bình Nhưỡng có thể giúp làm xuống thang căng thẳng tại khu vực bán đảo Triều Tiên.

Đức Hoàng

Theo BBC