Ông Kim Jong-un nổi giận vì nền y tế nước nhà còn yếu kém
(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã mạnh mẽ phê bình nền y tế công của Bình Nhưỡng chưa phát triển đạt như kỳ vọng, kêu gọi các bên cùng nỗ lực để đáp ứng các mục tiêu trong tương lai.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA ngày 21/8 đưa tin, trong chuyến thị sát tại nhà máy thiết bị y tế Myohyangsan, nằm tại phía tây bắc Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã nghiêm khắc phê bình cung cách làm việc của nhà máy nói riêng cũng như nền y tế công cộng nói chung còn nhiều thiếu sót.
Ông Kim nói rằng ông không khỏi quan ngại và thất vọng về tình hình thực tế của nhà máy. Ông không thể biết được liệu nhà máy có đang trong quá trình hiện đại hóa hay cải cách hay không vì ông không nhìn thấy dấu hiệu của việc này dù đảng Lao động Triều Tiên đã yêu cầu nhà máy thực hiện từ 2 năm trước, theo KCNA.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên tỏ ra không hài lòng với các quan chức đảng và địa phương khi tận mắt chứng kiến tình hình hiện tại của nền y tế công vì đây là một ngành rất quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho người dân. “Các ngành khác đang có sự tiến bộ đáng ghi nhận trong những năm gần đây, trong khi nền y tế đang ngày càng bị động. Không có gì đáng để tự hào về nền y tế công cộng”, ông Kim nói.
Nhà lãnh đạo cho biết cá nhân ông sẽ theo dõi và chỉ đạo tiến độ hiện đại hóa của nhà máy trong tương lai. Tháp tùng ông Kim trong chuyến thị sát lần này có các quan chức cấp cao như Phó chủ tịch ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên Hwang Pyong-so.
Theo KCNA, nhà máy Myohyangsan bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1972 và nó được chính nhà cố lãnh đạo Kim Il-sung đích thân đặt tên.
Trong chuyến thị sát khác tới Samjiyon, quận phía bắc nằm giáp biên giới Triều Tiên, ông Kim cũng phê bình phương pháp thi công còn nhiều yếu kém của dự án xây dựng đường sắt nối với Trung Quốc, dự kiến hoàn thành vào năm sau, theo KCNA.
Sau hàng loạt các vụ thử tên lửa năm ngoái, Triều Tiên dường như đã dừng các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa, chuyển trọng tâm ưu tiên sang phát triển kinh tế trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang gặp nhiều khó khăn vì bị lệnh trừng phạt và cấm vận từ quốc tế bủa vây.
Đức Hoàng
Theo Yonhap